Chiều 28-2, TAND Cấp cao TP.HCM không tuyên án xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bọc ống dầu khí VN (viết tắt là PVCoating) như dự kiến, mà quay lại phần xét hỏi. HĐXX phúc thẩm cho biết do vụ án phức tạp nên sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào sáng 3-3.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Đức Minh (cựu giám đốc PVCoating), Phạm Ngọc Minh (cựu phó giám đốc), Bùi Nhật Vinh (cựu trưởng Phòng kinh tế kỹ thuật), Nguyễn Thị Hà Nhung (cựu kế toán trưởng, trưởng Phòng tài chính kế toán) bị truy tố về tội tham ô tài sản.
Các bị cáo Nguyễn Phước Toàn (cựu phó giám đốc Nhà máy bọc ống PVCoating), Nguyễn Công Chương (cựu phó trưởng Phòng tài chính kế toán) và Kim Văn Anh (cựu giám đốc Nhà máy bọc ống PVCoating) bị truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Quay lại phần xét hỏi, HĐXX cho biết cần làm rõ việc sơ thẩm cho rằng các bị cáo đã sửa sổ sách để nâng khống số liệu vật tư cho bằng với số vật tư mua vào để chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CÙ HIỀN
Cạnh đó, để làm rõ thiệt hại của PVCoating, HĐXX đã hỏi ông Lê Hồng Hải (Giám đốc đương chức của PVCoating) về việc khi dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Cơn 2 - giai đoạn một hoàn thiện, đi vào hoạt động thì có lãi hay không.
Ông Hải cho biết sau khi dự án hoàn thành, Nhà nước đã có quy định về định mức lợi nhuận, trong dự án này có 6% lợi nhuận cho PVCoating, 3% chi phí quản lý, phần vật tư là phần đầu vào.
HĐXX hỏi: “PVCoating áp dụng cải tiến kỹ thuật giúp giảm vật tư đầu vào, vậy tại sao họ không được hưởng số vật tư dôi dư?”. Theo ông Hải, trong hợp đồng quy định rõ khối lượng vật tư đầu vào. Khi PVCoating thực hiện dự án phải đảm bảo đưa đủ vật tư vào sản xuất. Nếu PVCoating có sáng kiến tiết kiệm giảm vật tư thì khi thanh toán hợp đồng, số vật tư dôi dư phải được trả lại cho nhà thầu (cụ thể là PV Gas). Đây cũng chính là mâu thuẫn trong các hợp đồng xây dựng đang rất phổ biến hiện nay mà chưa có phương án tháo gỡ.
HĐXX tiếp: “Là bị hại, tính đến thời điểm này PVCoating có thiệt hại gì không?”. Ông Hải nói: “Đây là một câu hỏi khó trả lời, tôi không trả lời được”.
Tại tòa, bị cáo Đức Minh trình bày nếu bên A (tức PV Gas) không phải là công ty mẹ thì bị cáo không phải chỉ đạo nhân viên thực hiện việc nâng khống số liệu vật tư. Bị cáo đã thực hiện đúng tiến độ, sản phẩm và kỳ thanh toán. Nhưng vì hai công ty có mối quan hệ là công ty mẹ và công ty con nên khi thanh toán rất khó khăn.
Bị cáo cho rằng Viện Kinh tế xây dựng không biết việc PVCoating có khả năng cải tiến kỹ thuật giúp giảm vật tư. Theo yêu cầu của chủ đầu tư, gần giai đoạn thanh toán, sáng kiến cải tiến kỹ thuật sẽ bằng 0 nếu phải đáp ứng đúng yêu cầu. Kể cả sáng kiến có tốt bao nhiêu thì PVCoating cũng không được hưởng lợi.
Theo bị cáo Đức Minh, mục đích nâng khống vật tư chỉ nhằm thực hiện đúng như các yêu cầu trong hợp đồng của PV Gas để được thanh toán. Trước đó bị cáo cho rằng không có ý đồ tham ô chiếm đoạt tài sản, chỉ muốn làm lợi cho công ty nên mong HĐXX xét lại tội danh.
Theo hồ sơ, PVCoating được thành lập năm 2007 (trụ sở tại Bà Rịa-Vũng Tàu), chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí, chống ăn mòn kim loại, gia tải đường ống, bảo dưỡng sửa chữa tàu thuyền và các phương tiện nổi. Trong đó, PV Gas sở hữu gần 53% vốn điều lệ của công ty. Từ tháng 6-2013 đến 10-2016, bị cáo Trần Đức Minh là giám đốc, đại diện quản lý phần vốn của PV Gas tại PVCoating. Cuối năm 2013, PV Coating được giao bọc ống chống ăn mòn và bê tông gia trọng cho dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sôn 2 - giai đoạn một. Để triển khai dự án, bị cáo Đức Minh thuê Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) xây dựng định mức, đơn giá. Định mức được lập cao hơn thực tế thi công, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới nhập vật tư về tương đương với định mức này rồi điều chỉnh hồ sơ kế toán nâng khối lượng vật tư. Số vật tư dư thừa gồm hơn 836 tấn hạt nhựa và sáu loại vật tư khác (gồm các loại bột nhựa, thép) trọng lượng hơn 100 tấn được bị cáo Đức Minh bàn bạc, chỉ đạo cấp dưới mang gửi ở kho một công ty tư nhân tại Biên Hòa. Bảy loại vật tư thừa này trị giá hơn 48 tỉ đồng. Tháng 8-2016, bị cáo Đức Minh mất chức giám đốc và phải kiểm kê, bàn giao tài sản cho người mới nên đã phát hiện ra việc nâng khống vật tư. |