Sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2025: Tiến độ rất chậm, vì sao?

(PLO)- Nhiều địa phương đã rất nỗ lực sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, điển hình như Quảng Ninh, Thanh Hóa; tuy nhiên vẫn còn một số địa phương gặp khó khăn do số lượng sắp xếp lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-8, tiếp tục phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện sáu nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến hết năm 2023.

Đáng chú ý, chất vấn ở lĩnh vực nội vụ, nhiều đại biểu (ĐB) QH quan tâm nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã.

Sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2025: Tiến độ rất chậm, vì sao? sắp xếp cán bộ
ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: QH

Giải quyết cơ bản hơn 18.000 cán bộ, công chức dôi dư

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) dẫn báo cáo Chính phủ có nêu sau bốn năm vẫn còn 58/706 cán bộ, công chức cấp huyện; hơn 1.400/gần 9.700 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ.

Ngoài ra có 5/6 ĐVHC, chiếm hơn 83% đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; 43/152 ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch…

Đáng chú ý, đa số địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về nguồn kinh phí để thực hiện. “Đề nghị bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp căn cơ để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trên?” - ĐB Ngân chất vấn.

sap-nhap-huyen-xa-giai-doan-2023-2025-tien-do-rat-cham-vi-sao-săp-xep-can-bo-1.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay việc sắp xếp hơn 18.000 cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019-2021 đã được giải quyết khá cơ bản.

Đến nay số lượng cán bộ, công chức cấp huyện còn dôi dư 58 người, chiếm hơn 8,2%; cấp xã dôi dư hơn 1.400 người, chiếm gần 14,5%. Theo nghị quyết của UBTVQH, đến hết năm 2025 phải giải quyết xong số này.

Bộ Nội vụ đánh giá cao nhiều địa phương thời gian qua đã rất nỗ lực sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu một số điển hình là Quảng Ninh, Thanh Hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương do số lượng sắp xếp lớn nên còn những mặt khó khăn.

Để giải quyết tồn đọng giai đoạn trước và chuẩn bị cho giai đoạn 2023-2030, bà Trà cho hay Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, ban hành nhiều nghị định quan trọng. Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 29/2023 quy định về tinh giản biên chế, trong đó dành riêng một khoản về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành Nghị định 33/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, đây cũng là điều kiện thuận lợi để sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã dôi dư.

Nêu con số 46/54 địa phương diện sắp xếp đã ban hành nghị quyết của HĐND để hỗ trợ thêm, ngoài các quy định chung của Chính phủ, bà Trà đánh giá đây là điều rất tốt.

Nói về trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng trước hết là trách nhiệm của các địa phương cần rà soát, xem xét, công khai, dân chủ, công bằng, tiếp tục vận dụng các chính sách hiện có của trung ương và địa phương để hết năm 2025 giải quyết dứt điểm cán bộ, công chức dôi dư.

Theo chương trình phiên chất vấn, trong 1,5 ngày, các ĐBQH sẽ tiến hành chất vấn hai nhóm vấn đề.

Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lĩnh vực công thương, NN&PTNT, VH-TT&DL. Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Liên quan đến điều chỉnh quy hoạch đô thị và phân loại đô thị hình thành sau sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021, tư lệnh ngành nội vụ thừa nhận đây là một tồn đọng “đúng như ĐB nêu”.

“Có thể nói đây là một nhiệm vụ rất lớn. Giai đoạn qua có một số khó khăn, chưa kịp điều chỉnh bởi vì thời điểm đó thực hiện theo quy hoạch tỉnh, sau đó mới rà soát các quy hoạch đô thị…” - bà Trà nêu nguyên nhân khiến một số địa phương chậm trễ. Tuy nhiên, theo bà Trà, vẫn có địa phương làm rất tốt.

sap-nhap-huyen-xa-giai-doan-2023-2025-tien-do-rat-cham-vi-sao-hoang-quoc-khanh.jpg
ĐB Hoàng Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu). Ảnh: QH

Sắp xếp ĐVHC huyện, xã giai đoạn 2023-2025 “rất chậm”

Trong khi đó, ĐB Hoàng Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy giai đoạn 2023-2025, cả nước thực hiện sắp xếp 49 ĐVHC cấp huyện và 1.247 ĐVHC cấp xã của 53 địa phương. Việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10-2024. Tuy nhiên, đến nay mới có ba địa phương trình UBTVQH quyết định và ba địa phương đang trình thẩm tra nên thời gian không còn nhiều.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua có bị chậm tiến độ không? Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng cho biết các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo tiến độ đề ra?” - ông Khánh nêu hàng loạt chất vấn.

Trả lời, bà Trà đánh giá giai đoạn 2023-2025, số lượng ĐVHC sắp xếp rất lớn nhưng “tiến độ hiện nay còn rất chậm”.

Bà Trà thông tin đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận hồ sơ của 43/54 tỉnh diện sắp xếp. Theo đó đã hoàn thành thẩm định 32 hồ sơ và đã trình UBTVQH ba hồ sơ, hiện nay đang có ba hồ sơ nữa. Hiện vẫn còn 10 địa phương chưa gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ để thẩm định. “Tiến độ này nhìn thấy trước mắt rất khó hoàn thành trước tháng 10” - theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết khi thực hiện sắp xếp, nhiều địa phương kết hợp mở rộng không gian đô thị cấp huyện, cấp xã… Tuy nhiên, việc này còn vướng rất nhiều do chưa xây dựng được kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; chưa hoàn thành các quy hoạch. Các hồ sơ còn vướng mắc cơ bản xoay quanh vấn đề quy hoạch và phân loại đô thị.

Lý giải cụ thể hơn, tư lệnh ngành nội vụ cho rằng thực tế vẫn có địa phương làm rất tốt, như Nam Định. “Tại sao họ làm được và làm rất tốt. Họ mở rộng không gian rất lớn, sắp xếp 77 ĐVHC cấp xã, còn lại 51 đơn vị. Đây là điển hình. Nếu địa phương nỗ lực, quyết tâm cao, tập trung quyết liệt cho việc này thì sẽ làm được” - bà Trà nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết sắp tới UBTVQH sẽ tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch đô thị, qua đó tháo gỡ một phần nhưng địa phương cần cố gắng mới hoàn thành nhiệm vụ này.

Họp không kể ngày đêm, thứ Bảy và Chủ nhật

Ở vị trí điều hành, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đã có chỉ đạo Thường vụ QH thường xuyên phối hợp chặt chẽ và đã có chương trình.

“Nếu Chính phủ trình thì kể cả họp đêm, họp ngày, thứ Bảy, Chủ nhật và Thường vụ QH sẵn sàng dành một, hai ngày khi Chính phủ trình chuyên về nội dung này” - Phó Chủ tịch QH nói.

Ông Định thông tin trong chiều 22-8, Thường vụ QH sẽ có chương trình xử lý hồ sơ ba tỉnh Chính phủ vừa trình và ra nghị quyết để tháo gỡ một số khó khăn. Tinh thần chung là Chính phủ và Thường vụ QH phối hợp hết sức chặt chẽ để chỉ đạo các địa phương làm khẩn trương việc sắp xếp này.

Phó Chủ tịch QH mong các ĐBQH ủng hộ và tăng cường giám sát các địa phương thực hiện đúng nghị quyết của QH, phấn đấu cơ bản xong trong tháng 9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm