Ngày 23-6, theo nguồn tin của PLO, TAND TP Hà Nội sẽ tống đạt quyết định đưa vụ án chuyến bay giải cứu ra xét xử sơ thẩm. Theo đó, phiên tòa sẽ bắt đầu ngày 11-7, dự kiến kéo dài trong một tháng.
HĐXX gồm 5 người với hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.
Có 5 kiểm sát viên của VKSND Tối cao và VKSND TP Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa.
|
Một số bị can trong vụ án chuyến bay giải cứu |
Có 54 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó, VKSND Tối cao truy tố 21 bị cáo về tội nhận hối lộ, truy tố 23 bị cáo về tội đưa hối lộ, truy tố 4 bị cáo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, truy tố 4 bị cáo về tội môi giới hối lộ, truy tố 1 bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, truy tố một bị cáo về cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ".
Theo cáo trạng, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ 164,8 tỉ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại 10,4 tỉ đồng.
Có 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ 226,7 tỉ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ 74,4 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền 24,5 tỉ đồng.
Trong đó, Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực được xác định đã nhận hối lộ 4,2 tỉ đồng. Ông Linh lợi dụng vị trí công tác giúp Công ty Lữ Hành Việt được phê duyệt 18 chuyến bay và giúp 2 công ty khác được phê duyệt chuyến bay khi chưa có sự thống nhất, đề xuất của Tổ công tác 5 Bộ.
Bị can Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cấp dưới đưa DN thân quen vào danh sách thực hiện chuyến bay. Ông Dũng bị cáo buộc đã nhận hối lộ tổng cộng 21,5 tỉ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hướng dẫn DN ''thân cận'' mượn nhiều pháp nhân để xin chuyến bay, chỉ đạo cấp dưới chọn những DN này vào kế hoạch bay; nhận hối lộ 25 tỉ đồng.
Với vai trò là thư ký giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế, bị can Phạm Trung Kiên lợi dụng nhiệm vụ yêu cầu DN chung chi từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng/khách hoặc từ 100 triệu đến 200 triệu đồng mỗi chuyến bay thì mới giúp đỡ, không gây khó khăn và trình sớm hồ sơ chuyến bay.
Ông Kiên bị cáo buộc đã nhận 42,6 tỉ đồng từ 19 cá nhân, đại diện DN.
VKSND Tối cao xác định, hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, khi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid 19, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về những hành vi tách ra để tiếp tục điều tra xử lý ở giai đoạn 2, bị can Trần Thị Hà Liên bị khởi tố về tội Môi giới hối lộ. Do bị can bỏ trốn chưa bắt được nên CQĐT đã ra quyết định truy nã, tách hồ sơ để điều tra, xử lý sau.
Đối với một số đối tượng khác trong vụ án có dấu hiệu vi phạm, tội phạm, CQĐT Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra, xử lý ở giai đoạn 2 của vụ án.