Như PLO đã đưa tin, ngày 19-4, VKSND Tối cao tống đạt cáo trạng vụ án "chuyến bay giải cứu", truy tố 54 bị can về các tội đưa, nhận, môi giới hối lộ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo đó, năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay.
Lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân thuộc các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện các hành vi phạm tội.
Từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 cá nhân nhận hối lộ 164,8 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại 10,4 tỉ đồng.
Có 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ 226,7 tỉ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ 74,4 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền 24,5 tỉ đồng.
Hành vi phạm tội xảy ra ở nhiều cơ quan với 7 nhóm bị can ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Cục Hàng không (Bộ GT&VT); Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an); tại UBND Hà Nội và Quảng Nam; nhóm doanh nghiệp và đối tượng trung gian đưa, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, tại nhóm doanh nghiệp và đối tượng trung gian đưa, môi giới hối lộ: Bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng (nguyên Phó TGĐ Công ty Bluesky) và Lê Hồng Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty Bluesky) đã đưa hối lộ 100 tỉ đồng để "chạy" giấy phép chuyến bay và "chạy" không bị xử lý hình sự.
Ở hành vi "chạy" giấy phép chuyến bay, Nguyễn Thị Thanh Hằng đề xuất với Lê Hồng Sơn dùng các pháp nhân gồm BlueSky, BlueTrip, TravelSky liên kết với một số doanh nghiệp để đưa công dân về nước. Kết quả, nhóm công ty của Sơn, Hằng được cấp phép thực hiện 109 chuyến bay.
Để được phê duyệt chuyến bay, cách ly y tế, cấp vượt số lượng khách, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng đã trực tiếp hoặc thông qua mối quan hệ cá nhân đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền để giúp đỡ cho các công ty trong nhóm.
Cáo trạng xác định, từ tháng 11-2020 đến tháng 12-2021, Sơn và Hằng đã đưa hối lộ 63 lần, tổng số 38,5 tỉ đồng cho 12 người và một số cá nhân khác có thẩm quyền.
Tới giai đoạn vụ án đang được điều tra, Sơn và Hằng bàn bạc, sau đó, Hằng đến nhà Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội nhờ tìm người giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự .
Do có quen biết với Hoàng Văn Hưng, Trưởng Phòng 5 Cơ quan ANĐT Bộ Công an, Nguyễn Anh Tuấn nhận lời. Tháng 2 và 3-2022, Nguyễn Anh Tuấn đã sắp xếp cho Nguyễn Thị Thanh Hằng gặp Hoàng Văn Hưng nhiều lần tại nhà Tuấn.
Trong những lần gặp này, Hưng hỏi Hằng có quyết tâm cứu Sơn hay không và hướng dẫn Hằng cách khai báo với CQĐT và hứa sẽ tác động các cơ quan chức năng ủng hộ việc không xử lý hình sự đối với Sơn.
Tổng cộng, Hằng 13 lần đưa tiền cho Nguyễn Anh Tuấn, tổng số 2,65 triệu USD, tương đương 61,6 tỉ đồng.
Như vậy, trong cả hai giai đoạn, từ tháng 11-2020 đến tháng 12-2022, Hằng và Sơn đã đưa hối lộ 76 lần, số tiền hơn 100 tỉ đồng.
Với hành vi này, Hằng và Sơn cùng bị truy tố tội “đưa hối lộ" theo điểm a khoản 4 Điều 364 BLHS, khung hình phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
Hai bị can và gia đình đã nộp gần 2,7 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.