Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng TP.HCM, sau khi tiếp nhận trường hợp một người Đức sau khi đi du lịch và có thời gian cư trú tại TP,HCM nhiễm vi rút Zika, Sở Y tế TP đã nhanh chóng triển khai các biện pháp tiếp cận và các biện pháp phòng bệnh, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống bệnh do vi rút Zika trên toàn thành phố.
Sở Y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại những nơi liên quan đến trường hợp bệnh do vi rút Zika do Cục Y tế Dự phòng công bố và thống nhất các hoạt động sẽ được tiếp tục triển khai phòng, chống bệnh do vi rút Zika trên toàn thành phố.
Đồng thời, chỉ đạo các TTYTDP quận, huyện liên quan nhanh chóng tiến hành các hoạt động kiểm soát lây truyền bệnh tại chỗ bằng các biện pháp như phun hoá chất diệt muỗi, nhằm cắt đứt nhanh đường lây truyền nếu có vi rút lưu hành. Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng và kiểm soát các điểm nguy cơ phát sinh muỗi nhằm hạn chế nguồn sinh sản của muỗi, đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng bệnh, đặc biệt là phòng tránh muỗi đốt cho thai phụ.
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra môi trường sống của bệnh nhân mắc Zika đầu tiên tại quận 2, TP.HCM ẢNH: HÀ PHƯỢNG
Bên cạnh đó, BS sĩ Dũng cho hay, nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động phòng chống dịch, ngành y tế đã thống nhất chiến lược phòng, chống bệnh do vi rút Zika tại TP qua các biện pháp giám sát ca bệnh, giám sát vi rút, giám sát tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, giám sát hội chứng Guillane Barré; tăng cường truyền thông phòng bệnh, đặc biệt là truyền thông cho thai phụ; kiểm soát trung gian truyền bệnh (lồng ghép với hoạt động phòng, chống Sốt xuất huyết).
Trước mắt, trong 4 tháng cuối năm 2016, sẽ tập trung triển khai giám sát ca bệnh theo hệ thống thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm và đẩy mạnh giám sát vi rút tại 30 bệnh viện của thành phố. Song song đó là hoạt động truyền thông và kiểm soát côn trùng truyền bệnh.
Được biết, nhiễm vi rút Zika chỉ có biểu hiện lâm sàng khoảng 20% trường hợp; hầu hết đều nhẹ và tự qua khỏi. Tuy nhiên, nếu nhiễm virus Zika trong ba tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến tật đầu nhỏ của thai nhi (khoảng 10%). Riêng đối với trường hợp bệnh nhân nhiễm vi rút Zika đã nêu trên, hiện nay sức khỏe ổn định và không còn khả năng lây truyền vi rút Zika qua muỗi.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân không quá hoang mang, nhưng cũng không chủ quan mà cần quan tâm đến sức khỏe của cá nhân mình và của cộng đồng bằng những hành động cụ thể: Tìm và diệt lăng quăng hàng tuần tại nơi sinh sống và nơi làm việc (trong và ngoài nhà). Chủ động diệt muỗi hàng ngày bằng các biện pháp thông thường như bình xịt côn trùng gia dụng, nhang xua muỗi,… Chủ động phòng ngừa muỗi đốt, đặc biệt đối với thai phụ.
Đối với người trở về từ vùng dịch cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, không để bị muỗi chích trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, thực hiện tình dục an toàn ít nhất 28 ngày theo khuyến cáo của y tế và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.