Chọn thị trường ngách và làm thật tốt sản phẩm cho nhu cầu thị trường này mà trứng vịt muối xuất khẩu là một điển hình. Đây là chiến lược đã giúp ông Đàm Văn Hoạt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm), đưa một sản phẩm nông nghiệp bình thường thành món hàng hóa có giá trị cao, đem lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Trứng vịt muối thắng Thái Lan nhờ… chạy đồng
. Phóng viên: Trứng muối là một sản phẩm quen thuộc của người Việt nhưng lạ ở chỗ ông có thể thuyết phục khách nước ngoài mua sản phẩm của mình. Vậy hẳn là ông có bí quyết riêng?
+ Ông Đàm Văn Hoạt: Thực ra xuất khẩu trứng muối cũng không khác lắm câu chuyện xuất khẩu nông sản Việt đi khắp thế giới. Đó là làm sao tìm được đầu ra, đáp ứng các điều kiện của nước nhập khẩu vốn rất khắt khe như tiêu chuẩn về nguồn gốc, xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cuối cùng, giá cả phải cạnh tranh chứ không thể áp đặt giá cao.
Mới đây, chúng tôi đã đưa được trứng vịt muối xuất khẩu sang Úc, một thị trường khó tính với bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu nào.
. Là một trong những đơn vị đi tiên phong bán trứng vịt muối thành công sang Úc, hẳn là không dễ dàng và đòi hỏi tích lũy kinh nghiệm chứ khó có thể một phát ăn ngay?
+ Trước đây tôi khởi nghiệp bằng sản xuất và xuất khẩu trứng tươi, tích lũy kinh nghiệm, xây dựng bạn hàng, mối quan hệ trên thị trường. Khi chuyển sang làm trứng muối, tôi cũng chỉ bắt đầu tiếp cận các nước gần Việt Nam. Qua thời gian, khi làm chủ sản xuất và công nghệ, chúng tôi mới nhắm đến thị trường Singapore, rồi Úc.
Việc chuyển sang xuất khẩu trứng vịt muối có nguyên nhân từ việc giá đầu vào trứng tươi tăng giảm thất thường, khó kiểm soát nên không thể ổn định giá trứng xuất khẩu dù thị trường xuất khẩu trứng tươi còn rất lớn và tiềm năng. Nhiều nước ở khu vực Trung Đông, châu Phi, ngay cả Singapore, Nhật, Myanmar… cũng cần trứng tươi, rất tiếc chúng ta chưa tiếp cận được.
Đối với trứng vịt muối, giống như thực phẩm đã qua chế biến nên việc xuất khẩu mới thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để được thị trường khó tính như Úc chấp nhận cũng mất nhiều thời gian, phải đạt các yêu cầu về vi sinh…Trứng vịt muối sau khi tách lòng đỏ phải được hấp tiệt trùng và đưa vào hút chân không.
Để thâm nhập và tìm chỗ đứng trên thị trường, Tổng Giám đốc Vietfarm Đàm Văn Hoạt cho rằng luôn phải tìm cách tạo những sản phẩm mới lạ. Ảnh: QUANG HUY
Nâng cao giá trị quả trứng
. Nhìn về quả trứng vịt muối, Việt Nam có ưu thế nào vượt qua các nước?
+ Người Thái rất mạnh về xuất khẩu trứng muối và chiếm thị phần khá tốt tại Trung Quốc, Hong Kong hay Đài Loan. Nguyên nhân, họ đã xây dựng thành công hệ thống chuỗi sản xuất trứng vịt muối từ con giống, thức ăn cho đến nuôi vịt theo trang trại như gà đẻ, với hệ thống tự động hóa khá cao nên giá thành lẫn chất lượng quả trứng được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu.
Tuy nhiên, có lý do để trứng vịt muối của Việt Nam được ưa chuộng nhờ vào hình thức chăn thả một cách tự nhiên, hay nói cách khác là cho vịt chạy đồng. Những cánh đồng lúa sau thu hoạch để lại nguồn chất dinh dưỡng tốt, với đa dạng thức ăn trong hệ sinh thái nên quả trứng vịt Việt Nam giữ được phẩm cấp ngon ngọt, có màu đỏ tự nhiên. Đó là ưu thế để vượt qua trứng vịt muối các nước, vốn nuôi theo kiểu công nghiệp.
. Nhưng hình thức chăn thả một cách tự nhiên cũng tiềm ẩn những bất lợi đối với doanh nghiệp xuất khẩu?
+ Đúng. Đánh đổi chất lượng vượt trội nhờ dựa vào nuôi thuần tự nhiên thì quả trứng dễ bị tiềm ẩn các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế để xuất khẩu được sang Úc, chúng tôi phải tổ chức lại chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát triển hệ thống chăn nuôi vịt khép kín, an toàn sinh học. Nhờ đó, chất lượng quả trứng và khả năng kiểm soát kháng sinh, dịch bệnh khá tốt.
Rõ ràng, một quả trứng sản xuất theo chuỗi, đạt chứng nhận GlobalG.A.P. chắc chắn sẽ được bán tốt hơn.
. Với việc xuất khẩu trứng vịt muối như cách người tiêu dùng Việt đang ăn vẫn bị xem là xuất khẩu thô, giá trị không cao. Vietfarm làm gì để thay đổi điều này?
+ Hiện nay chúng tôi đã chuyển sang xuất khẩu trứng vịt muối theo hình thức gia tăng giá trị. Ví dụ, chỉ xuất khẩu lòng đỏ trứng, có nghĩa là vỏ trứng và lòng trắng trứng sẽ bị loại bỏ. Tất nhiên giá bán cao hơn so với quả trứng muối còn bọc vỏ trấu thông thường. Phần loại bỏ vỏ trứng, lòng trắng trứng được xem là phụ phẩm, chuyển sang làm thức ăn chăn nuôi.
Ở mức độ cao hơn, công ty đã sản xuất sản phẩm bột trứng muối. Điều này đòi hỏi đầu tư rất nhiều cho nhà máy chế biến, dây chuyền sản xuất, đồng thời loại bỏ đi các khâu làm thủ công. Bù lại giá rất cao, hơn 30% so với giá bán một lòng đỏ trứng muối.
Dây chuyền bóc, tách trứng muối tự động Công ty Vietfarm đã đưa vào vận hành dây chuyền bóc, tách trứng muối tự động công suất 30.000 quả/giờ. Trước đây doanh nghiệp làm trứng muối chủ yếu dùng nhân công, vừa chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa làm tăng chi phí. Do đó, Vietfarm đã quyết định đầu tư dây chuyền bóc, tách trứng muối hoàn toàn tự động, từ khâu rửa trứng, bóc vỏ trứng, tách lòng đỏ trứng… đến đóng gói, dán nhãn bao bì. Theo đánh giá của Cục Thú y, nhờ có công nghệ bóc, tách trứng tự động, Vietfarm là doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về thị phần sản xuất trứng. |
Liên tục thay đổi để bắt kịp xu hướng
. Là người học và lăn lộn lâu trong ngành nông nghiệp, góc tiếp cận của ông về nông nghiệp xem ra khá khác biệt. Chẳng hạn chỉ với quả trứng vịt, ông hoàn toàn kiếm được tiền dễ dàng?
+ Trên thị trường luôn có chỗ đứng cho người biết làm theo cách khác biệt. Điều này sẽ tùy vào cách tiếp cận của từng người. Nếu xuất khẩu theo hướng hàng thô, chưa qua chế biến với số lượng nhiều, kiếm được lợi thì vẫn có thể làm. Nhưng tôi nhận ra một điều, khi đầu tư vào chiều sâu thì sự bền vững cao hơn nhiều và hiệu quả cũng tốt hơn, an toàn hơn. Đồng thời, khi thị trường không còn nhiều chỗ đứng, chỉ có cách tạo những sản phẩm mới lạ mới mong có được thị trường.
. Nếu so sánh giữa kinh doanh ngành khác thu lợi lớn và nhanh, trong khi kinh doanh nông nghiệp đòi hỏi từng bước kiên nhẫn, có bao giờ ông có ý định đổi nghề?
+ Thật ra tôi chỉ có thế mạnh làm nông nghiệp và tôn chỉ kinh doanh của tôi là nhất nghệ tinh. Nghĩa là chỉ khi tập trung vào một sản phẩm, anh mới dồn hết lực và tâm cho sản phẩm đó, như vậy thế mạnh cũng được vun bồi nhiều hơn.
Làm nông nghiệp có thể thu lợi chậm nhưng bền, kiếm tiền lâu dài hơn. Do đó, chiến lược kinh doanh của công ty tôi là phát triển chậm nhưng mạnh mẽ trong sự kiểm soát chặt chẽ. Luôn thích ứng với thay đổi và liên tục thay đổi. Triết lý kinh doanh của tôi là: Liên tục thay đổi để theo kịp xu hướng.
. Xin cám ơn ông.
Cần phải chơi với thương lái . Khi nói đến thương lái, nhiều người tỏ ra ác cảm và khép cho họ cái tội “ép giá” nông dân. Với ông thì sao? + Không có họ không có cách nào để có nguồn trứng vịt ổn định, đủ sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Chỉ có họ mới nắm được ông chăn vịt đang ở đâu, tổng đàn vịt bao nhiêu con, mỗi ngày thu hoạch được bao nhiêu quả trứng…Vì vịt chạy đồng, trên một địa bàn rộng lớn, chạy dài từ tỉnh này qua tỉnh khác, một mình anh không thể đi đến từng nơi gom hàng, mà nếu có làm được điều này thì kinh doanh chỉ có lỗ. . Ông nghĩ thế nào về câu chuyện thương hiệu nông nghiệp? + Để làm ra sản phẩm không hề khó, thậm chí thu được nhanh chóng giá trị thặng dư tốt. Nhưng cái khó nhất là để thương hiệu được thế giới công nhận thì phải cần thời gian và sự đầu tư lớn. Với tôi, cứ làm tốt cái mình có, không nên chạy theo ước mơ vượt quá khả năng vì có thể sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Nếu anh không dẫn đầu thì anh phải tìm một nhánh, một ngách nào đó để trở thành người dẫn đầu. . Với góc nhìn như vậy, có lẽ ông chưa dừng lại tại đây? + Chúng tôi đang khởi động kế hoạch xây dựng một nhà máy giết mổ và cung cấp bò thịt tại Củ Chi (TP.HCM), kỳ vọng hoàn tất trong năm sau. Đồng thời, chúng tôi sẽ kết hợp với bà con nông dân tại khu vực này để xây dựng đàn bò nhằm cung cấp đầu vào cho nhà máy giết mổ. Với cách làm này, các bên đều có lợi. Thị trường bò thịt hiện nay có tiềm năng rất tốt, chưa một doanh nghiệp nào chiếm thị phần lớn. Điều cần làm hiện nay là cần cải thiện giống bò để có năng suất thịt cao hơn và qua đó nông dân sẽ thu lợi tốt hơn. |