Đại diện Sở Y tế TP.HCM đã nêu nhiều băn khoăn về đào tạo thực hành tại bệnh viện (BV) hiện nay đối với bác sĩ (BS) muốn hành nghề y tại hội nghị tổng kết chín năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM vừa qua.
Đầu ra không đảm bảo
Theo vị này, một BS phải trải qua 18 tháng thực hành tại BV thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN), thế nhưng việc cấp CCHN lại chỉ dựa trên các văn bằng, hồ sơ, chứng nhận thời gian thực hành. Vì vậy, để đảm bảo người được cấp CCHN có đủ năng lực thực hiện các kỹ thuật tối thiểu quy định trong CCHN thì phải có tiêu chuẩn cụ thể của cơ sở thực hành.
“Một BV đa khoa hạng 1 (nơi BS thực hành - PV) chưa chắc các chuyên khoa đã đủ điều kiện như nhau, mà sẽ có khoa mạnh, khoa yếu. Cạnh đó, người hướng dẫn thực hành dù đã có quy định của Bộ Y tế nhưng cũng chủ yếu dựa trên văn bằng, thời gian thực hành chứ chưa căn cứ vào năng lực. Điều này dẫn đến đầu ra không đảm bảo, khó đánh giá năng lực thực sự của người được cấp CCHN” - vị này phân tích.
Cũng theo vị này, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sắp tới cần bổ sung quy định về cơ sở và người đủ điều kiện hướng dẫn thực hành. Đồng thời, công bố các cơ sở đủ điều kiện để người có nhu cầu hành nghề y đăng ký thực hành.
Không chỉ vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, còn chỉ ra một thực tế: Trước đây, do thiếu BS nên đòi hỏi đào tạo đa dạng hóa nhằm đáp ứng tỉ lệ BS/bệnh nhân và BS phục vụ các trạm y tế. “Tuy nhiên, đầu vào của các trường y còn khá chênh lệch, có những trường có tiếng, đào tạo chính quy, đầu vào rất khó. Trong khi nhiều trường đào tạo y sĩ, y học cổ truyền cũng lên BS, ra trường được cấp bằng như nhau. Điều này tạo sự bất hợp lý, không đồng đều trong cấp CCHN” - bà Hương dẫn chứng.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cũng thừa nhận thực trạng đào tạo nhân lực y tế còn nhiều bất cập. Đơn cử như chưa có bộ tiêu chí riêng cho các trường y-dược, chưa có kiểm định chương trình, thực hành nghề nghiệp chưa được chuẩn hóa... Hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện đề án trình Thủ tướng ra quyết định thành lập hội đồng y khoa quốc gia nhằm xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp.
Việc thực hành nghề nghiệp bác sĩ hiện nay vẫn chưa được chuẩn hóa. Ảnh: HL
Mở rộng đối tượng cấp chứng chỉ
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu góp ý cần mở rộng đối tượng được cấp CCHN để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại các tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm tải cho tuyến trên và phù hợp với đặc thù vùng miền. Đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất cần cấp CCHN cho những người tham gia khám chữa bệnh như BS khối y tế dự phòng, cử nhân y khoa, dinh dưỡng, cử nhân y tế công cộng, nhân viên y tế trường học...
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng, cho biết TP.HCM đang quá tải vì số lượng người đến khám chữa bệnh tăng 5% mỗi năm. 10 năm nay tình trạng này vẫn chưa dừng lại dù Bộ Y tế đang có chủ trương đẩy mạnh y tế cơ sở, giảm tải cho tuyến trên. Theo ông Thượng, nhân sự ở trạm y tế, nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cần BS thực hành tổng quát hơn vì một BS chuyên khoa tai mũi họng xuống trạm y tế chỉ để khám họng chứ không thể làm được nhiều hơn.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Hương cũng nhấn mạnh khi thay đổi luật phải có sự thống nhất với các luật khác nhưng không nên bỏ qua tính đặc thù. “Tuyến y tế cơ sở rất cần BS đa khoa, đặc biệt là BS gia đình. Do đó, ngoài đào tạo chuyên khoa để các BS làm việc ở BV hay trung tâm y tế, về lâu dài cần có đào tạo chuyên khoa BS gia đình tuyến cơ sở” - bà Hương nêu ý kiến.
Đóng góp cơ sở dữ liệu để xóa bằng giả Gần đây xuất hiện bằng BS, điều dưỡng giả khiến người dân hoang mang, mất niềm tin. Thậm chí có trường hợp bằng đại học giả nhưng học sau đại học, được cấp bằng chuyên khoa 1 là thật nên thật hóa trên cái giả. Do đó, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu để các cơ sở y tế phối hợp, kiểm tra qua cổng thông tin, tránh để lọt người có bằng giả vào làm việc. Ông VÕ ĐỨC CHIẾN, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) |