Sáng 10-10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP.
Buổi đối thoại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trên địa bàn Thành phố kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp.
Tại buổi đối thoại, một đại diện doanh nghiệp chia sẻ rằng công ty của ông hằng năm đều tạo điều kiện cho sinh viên thực tập đến làm việc, học hỏi kinh nghiệm. Trong quá trình thực tập, công ty có chi trả một khoản tiền để hỗ trợ các em. Ông thắc mắc trường hợp này có được xem là "phát sinh quan hệ lao động" không và công ty có cần phải ký kết hợp đồng lao động đối sinh viên thực tập không?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động tiền lương, Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết Điều 3 Bộ luật Lao động quy định người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Về quan hệ lao động, luật này có quy định rõ là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động,…
Theo quy định trên thì có thể xác định nếu là việc làm có trả công, có trả tiền lương và có sự giám sát điều hành của một bên đối với bên còn lại thì được xem là quan hệ lao động và chúng ta phải có sự giao kết hợp đồng lao động.
Đồng thời, nếu doanh nghiệp đơn giản chỉ tạo điều kiện cho các sinh viên thực tập tìm hiểu công việc thì không cần giao kết hợp đồng lao động.
Cũng tại buổi đối thoại, một doanh nghiệp đưa ra tình huống: Một người lao động trên đường đi làm gặp tai nạn giao thông, phải vô bệnh viện điều trị; khi người này xuất viện, bệnh viện lại ghi là bị tai nạn lao động. Vậy, đối với trường hợp này, người lao động phải làm sao để được hưởng chế độ ốm đau, chế độ nghỉ dưỡng sức theo quy định?
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Trưởng phòng Chế độ BHXH, BHXH TP.HCM, trả lời: Theo quy định hiện này người lao động bị tai nạn giao thông trên tuyến đường đi làm và ngược lại thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Nếu bệnh viện ghi trên giấy tờ là tai nạn lao động để được hưởng chế độ tai nạn lao động thì phải chờ người lao động ổn định thương tật để đi giám định tỉ lệ thương tật.
Tuy nhiên, nếu thực tế như trên, người lao động phải yêu cầu bệnh viện có văn bản xác nhận gửi đến cơ quan BHXH thì sẽ được giải quyết chế độ ốm đau.