Từ tuần này, nhiều trường đại học (ĐH) tại TP.HCM đã chính thức tổ chức lễ khai giảng và chào đón tân sinh viên (SV) năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 còn phức tạp, SV đa phần còn ở quê, số SV được tiêm vaccine phòng COVID-19 thấp nên các trường chưa có kế hoạch cho học tập trung trở lại.
Đợi kế hoạch chung của TP.HCM
Theo đại diện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hầu hết cán bộ, nhân viên và giảng viên của trường đã được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, đa số SV của trường đã và đang ở quê suốt mấy tháng nay, số SV được tiêm vaccine cũng còn hạn chế nên học kỳ 1 này trường sẽ tiếp tục duy trì giảng dạy và học tập theo hình thức online đến khi nào TP đảm bảo và cho phép các trường đón SV học tập trung trở lại.
Là một trường nằm trong vùng đỏ với tỉ lệ cán bộ, giảng viên và SV được tiêm vaccine khá cao nhưng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng chưa có kế hoạch đón SV trở lại học tập trung.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp của trường, cho biết trường có hơn 15.000 SV. Trong đó, khoảng 12.000 SV đã được tiêm vaccine mũi 1, gần 5.000 SV được tiêm mũi 2. “Trường cũng thận trọng từng bước nên chưa có kế hoạch học tập trung trở lại. Kế hoạch giảng dạy cho SV năm cuối hay thực tập, thực tế cũng chưa có. Hiện trường sẽ tiếp tục dạy và học online từ ngày 11-10 cho đến khi có thông báo mới, chờ chủ trương chung của TP.HCM” - ông Sơn cho hay.
Do đặc thù là trường thuộc khối đào tạo nhóm ngành sức khỏe, có lượng lớn SV, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường vẫn đang tham gia chống dịch COVID-19 nên Trường ĐH Y Dược TP.HCM phải lùi thời gian bắt đầu năm học mới và tiếp tục tổ chức học trực tuyến.
Theo ThS Trương Văn Đạt, Trưởng Phòng công tác sinh viên của trường, trường có hơn 10.000 SV. Trong đó, gần 50% SV còn ở lại TP.HCM và hầu hết đã được tiêm vaccine. Còn lại, hơn 50% SV đang ở tỉnh, đa số chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Đáng nói, hiện trường có khoảng 3.300 SV đang tham gia chống dịch cùng với hơn 2.000 cán bộ, thầy cô của trường. Do đó, trường phải lùi thời gian bắt đầu năm học đến ngày 11-10 và tiếp tục giảng dạy theo hình thức trực tuyến. Để hỗ trợ SV, trường cũng giãn việc học tập, thực tập, thực hành để SV vừa chống dịch vừa có thể theo học.
Lễ khai giảng online lần đầu tiên của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM qua hình thức trường quay ảo. (Ảnh chụp màn hình)
Nhiều học bổng, hỗ trợ cho sinh viên
Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của phụ huynh, SV, nhiều trường tiếp tục có những chính sách học bổng, hỗ trợ trang thiết bị để SV có thể theo học trực tuyến.
Theo ThS Trương Văn Đạt, Trưởng Phòng công tác sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, trường vừa có quyết định cấp hơn 17 tỉ đồng học bổng để hỗ trợ 850 suất học bổng theo từng đối tượng.
Là đơn vị có lượng SV lớn nhất hiện nay tại TP.HCM, hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay, ĐH này tiếp nhận thêm hơn 21.000 tân SV trúng tuyển năm 2021.
Để chia sẻ và hỗ trợ SV, từ nay đến ngày 20-11, Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện tiếp nhận hồ sơ cho SV vay ưu đãi lãi suất 0%. Các em sẽ được vay số tiền tối đa bằng với học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/học kỳ.
Ngoài ra, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng xét trao 300 suất học bổng (5 triệu đồng/suất) cho SV các trường, khoa thành viên gặp khó khăn vì COVID-19.
Các trường sẽ xét chọn dựa trên tiêu chí theo thứ tự ưu tiên như cha, mẹ, anh chị em, người nuôi dưỡng hoặc bản thân SV... bị mất việc/tạm ngưng việc; cha hoặc mẹ mất do dịch COVID-19; SV có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh nhưng vì COVID-19 nên chưa thể về quê...
Các ký túc xá chưa thể tiếp nhận sinh viên vào ở trở lại Từ đầu tháng 9-2021, Trung tâm quản lý ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM đã có thông báo cho SV cũ đăng ký ở nội trú hoặc chuyển đổi phòng ở năm học 2021-2022. Đến nay, KTX đã tiếp nhận qua online khoảng 26.000 SV cũ đăng ký và KTX cũng dành khoảng 10.000 chỗ cho tân SV. Tuy nhiên, theo đại diện quản lý KTX, hiện mới cho SV đăng ký để nắm số lượng chứ chưa thể tiếp nhận SV vào ở chính thức vì cả hai khu A, B của KTX hiện vẫn đang được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến và nơi cách ly tập trung từ tháng 6 đến nay. KTX cũng đang chuẩn bị văn bản trình UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương để có phương án bàn giao lại KTX khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhằm sớm có kế hoạch tái lập lại cơ sở vật chất, khử khuẩn, đảm bảo môi trường an toàn trở lại. Tương tự, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng vừa có thông báo tạm ngưng tiếp nhận SV khóa mới vào ở KTX cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định. Theo nhà trường, KTX của trường có năm tòa nhà, trong đó có hai tòa nhà đang trong giai đoạn sửa chữa, một tòa nhà dùng dự trữ cho bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP Thủ Đức nên chỗ ở rất hạn chế. Chờ tình hình dịch được kiểm soát, KTX sẽ lên phương án cho SV đăng ký ở lại. |