Đang thiu thiu ngủ trưa, lão chồng béo quay qua vỗ đùi cái bộp: "Em, qua nhà hàng thanh toán cho xong nào". Là lão chọc vậy, chớ tiệc hoãn rồi, có tổ chức đâu mà thanh toán.
Chúng tôi đã đợi ngày này rất lâu rồi...
Vé máy bay, gia đình hai bên cũng đã đặt từ trước. Thiệp cưới, điện thoại ... cũng đã gửi đi hơn nửa. Vest, váy cô dâu,... hấp sạch sẽ còn thơm phức trong tủ.
Tính tôi tiết kiệm, nhất định không mua hoa tươi cầm tay, một bó đẹp cũng 500.000-700.000 đồng chớ bộ, cầm có vài tiếng đồng hồ đón khách, phí quá. Anh cũng không chịu mua, bảo hôm đó sẽ ra chợ sớm tự mua hoa về làm hoa cầm tay cho vợ...
Thông báo hoãn cưới của một cặp đôi được chia sẻ trên mạng xã hội.
Chúng tôi đã đợi ngày này hơn một năm nay. Trước tết, chúng tôi cùng nhau đi đặt tiệc cưới, dự tính sẽ đặt bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chúng tôi cùng chọn váy, chọn vest, cùng nhau đi chọn thiệp,...
Thay vì làm album cưới, chọn một studio phong cách Hàn Quốc hay địa điểm ngoài trời như nhiều cặp đôi khác, chúng tôi nhờ một người bạn ghi lại những khoảnh khắc bình dị của hai đứa. Ảnh cổng cũng là bạn chụp, chúng tôi nắm tay nhau trong chiều hoàng hôn dần buông xuống.
Chúng tôi sắp xếp những hình ảnh từ ngày xửa ngày xưa, hồi hai đứa mới quen nhau, cùng đi học chung trên Tây Ninh, buổi nhậu đầu tiên của "hai thằng bạn", những lần giận dỗi suýt tan đàn xẻ nghé, ngày nắm tay nhau lên phường, đặt bút ký tên vào tờ giấy đỏ, gọi nhau một tiếng "vợ" "chồng"...
Ngày cưới cũng là ngày hai đứa tự chọn. Thứ Bảy cơ quan tôi không ra báo, vậy mình làm tiệc vào thứ Bảy. "Úi anh ơi, cơ quan em có bạn tổ chức ngày cưới trùng mình, giờ sao?". Thì mình lùi sau các bạn một tuần, ngày đẹp nhất là ngày mình và mọi người đều vui vẻ. Đơn giản vậy thôi!
Nhưng rồi dịch bùng phát trở lại
Ngày 4-3, báo chí đồng loạt đưa tin về câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "Một tuần nữa, không có ca nhiễm mới, Việt Nam sẽ công bố hết dịch". Hai đứa mừng quá trời.
Ai ngờ, ca 17, tiếp sau đó là 18, 19, 20... mà không phải ở đâu xa xôi, ngay Tân Bình, quận 10...
Đẻ xong, hết dịch bệnh rồi, lại cưới, vội gì đâu! Ảnh minh hoạ
Còn hơn một tuần nữa tới ngày tổ chức, liên hệ nhà hàng hủy tiệc, nhà hàng báo phạt cọc 20 triệu đồng, hủy tiệc sẽ mất toàn bộ số tiền đã đóng. Rồi vé máy bay đã đặt cho gia đình, chưa kể bạn bè, người thân tự đặt vào... công sức cả một năm trời chuẩn bị. Thiệp cũng đã gửi đi rồi...
Hủy hay vẫn tổ chức? Hay cứ làm liều, bao nhiêu người vẫn cưới đấy thôi, còn có mấy ngày nữa? Sẽ không có sự tham dự của hai bên gia đình, không có khách tỉnh, không chào bàn... Tiền phạt cọc cao quá. Hai vợ chồng đều làm Nhà nước, 20 triệu đồng là cả mấy tháng lương cơ bản. Số bàn đặt không nhiều, cũng chỉ hai bên cơ quan, đồng nghiệp, gia đình và bạn bè thân thiết. Tổ chức hay không thì hằng ngày vẫn gặp họ mà.
Nhưng, lỡ như... Lỡ như có một khách mời không may nhiễm COVID-19 mà họ không biết. Chỉ một khách mời cũng đủ để khiến 200 người phải cách ly, rồi còn gia đình, công việc của họ...
Hoãn cưới lại thôi!
Hai đứa quyết định lên nhà hàng gặp quản lý làm việc và thương lượng. Sau một buổi nói chuyện, họ thông cảm, hai bên chia sẻ cùng nhau, tất nhiên, vẫn bị phạt cọc. Tiệc cưới hoãn lại, chẳng biết tới khi nào nhưng chắc chắn phải tới khi hết dịch bệnh.
Đẻ xong, hết dịch bệnh rồi lại cưới, vội gì đâu! Lúc đó, mọi người có thể tới lễ cưới của hai đứa mà chẳng cần đeo khẩu trang kín mít, chẳng cần mang nước rửa tay sát khuẩn liên tục, người gửi quà thì ngại, nhắn tin xin lỗi, người đi thì nơm nớp lo... Và lúc đó, chắc chắn con mình sẽ không thắc mắc: Con ở đâu trong ngày cưới của ba mẹ?...
Em mãi là tình nhân... 1. Chúng tôi là bạn nhậu. Ngày xưa, buồn buồn rủ nhau ra Hàng Xanh làm vài chai rồi về. Chẳng hứa hẹn. Chẳng chờ đợi. Từng đi qua thương tổn, chúng tôi đều hiểu, hứa hẹn càng nhiều thất vọng càng đau. 2. Chẳng biết tự lúc nào... Chắc là lúc biết chuyện lão nhường chỗ ngủ cho lũ mèo hoang từ đâu chạy tới sinh một đám con rồi ở nhờ gần tháng trời. Đến cả phơi quần áo (trước lão cũng phơi trên gác), nhưng vì sợ lũ mèo chạy mất, lão lui cui xách chậu đồ ra ngoài phơi. Sau này hên, mèo mẹ dắt đàn con đi chỗ khác chứ không chắc lão mất luôn chỗ ngủ. Chắc là lúc đi nhậu, thấy lão lăng xăng tự dắt xe vào chỗ để thay vì đợi bác bảo vệ tới. Lão cười mời bác cốc bia và ra về không quên gửi bác 5.000-10.000 dù ở đấy gửi xe hoàn toàn miễn phí. Chắc là lúc thấy lão đi xe số, cái điện thoại cũ mèm, pin đã chai, muốn đổi cũng nâng lên đặt xuống... Vậy mà lúc biết máy tính của tôi có chút xíu vấn đề, lão đưa luôn Macbook hơn 30 triệu đồng cho tôi xài. Chắc là lúc hai đứa có dự tính mua nhà, một tổ ấm nhỏ nhỏ. Nhưng vì chưa đăng ký kết hôn nên nhà chỉ có thể đứng tên một đứa. Về kể chuyện, lão bảo ngay: “Thì nhà đứng tên em. Có gì đâu”. Sau này vì vấn đề pháp lý, dự định đành dang dở nhưng câu chuyện đó tôi nhớ mãi. 3. Trước, tôi từng hứa với bản thân: Tính tôi vụng, nên tuyệt đối không yêu con một, không yêu người tuổi Dần, không yêu người cùng nghề và tuyệt đối tránh xa mấy ông uống bia như nước lã. Hơn 26 năm, tôi vẫn làm được cho tới khi gặp lão. Lão có đầy đủ bốn cái tôi ghét nhất. 4. Hồi còn trẻ cứ nghĩ nắm tay nhau đi dưới trời mưa, hẹn thề sống chết đã mãn nguyện. Sau này mới hiểu, chẳng cần thề nguyền hẹn ước, cứ bình dị mà bên nhau, cùng nhau ăn một bữa cơm, em nấu dở anh vẫn khen ngon, em có 100 tính xấu nhưng chỉ cần có một lý do anh vẫn ở lại mới là chân ái. 5. Ngày ký vào tờ giấy kết hôn, lão chọc: “Tao với mày vợ chồng rồi á”. Hai đứa mang đi ép plastic cẩn thận lắm. Nhưng có ai giữ nhau chỉ vì một tờ giấy. Để đó mai mốt có chăng để làm khai sinh cho con thôi. Chứ em, cả đời em chỉ mong mình mãi là tình nhân... |