Các nhà phân tích nhận định Trump làm tốt hơn ở cuộc tranh luận lần này so với các đợt trước nhưng ông vẫn thất thế trước đối thủ Hillary Clinton.
Cơ hội cuối cùng của ông Trump
Cuộc tranh luận tổng thống Mỹ lần ba và cũng là lần cuối cùng giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ Hillary Clinton của đảng Dân chủ đã kết thúc. Hãng tin Vox (Mỹ) bình luận có thể nói bà Clinton đã “đè bẹp” ông Trump trong loạt tranh luận hiệu quả nhất trong lịch sử chính trị Mỹ.
Tổng cộng có sáu vấn đề nổi trội đã được đặt ra cho hai ứng viên trong phiên tranh luận ngày 19-10, gồm nợ và phúc lợi, nhập cư, kinh tế, tòa án tối cao, đối ngoại và tư cách tổng thống. Cuộc tranh luận diễn ra vào lúc 9 giờ tối 19-10 (tức 8 giờ sáng 20-10 giờ VN) tại ĐH Nevada ở TP Las Vegas. Tương tự lần tranh luận thứ hai, ông Trump và bà Clinton đã không bắt tay nhau và đi thẳng vào bục diễn giả dành cho mình.
Theo các đợt thăm dò liên tiếp được Nate Silver thuộc blog FiveThirtyEight của tờ New York Times tiến hành, số người ủng hộ bà Clinton luôn cao hơn ông Trump và tăng dần theo ba cuộc tranh luận. Trước khi bắt đầu cuộc “so găng” đầu tiên, bà Clinton dẫn trước ông Trump 1,5 điểm. Bước vào cuộc tranh luận lần hai, con số này đã tăng lên 5,6 điểm nghiêng về bà Clinton và trước cuộc tranh luận thứ ba, bà Hillary vẫn chiếm ưu thế với 7,1 điểm.
Cuộc tranh luận lần này đã không thiếu những màn công kích của hai ứng cử viên. Tuy nhiên, mức độ công kích nhau ít hơn và hai bên chủ yếu có những tranh cãi xoay quanh chính sách được người điều hành cuộc tranh luận đưa ra. Những màn đấu đá về chính sách cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa ông Trump và bà Clinton.
Ông Trump lại tiếp tục mất điểm trong cuộc tranh luận cuối cùng, dù đã cố gắng đưa ra nhiều lập luận tốt hơn bình thường. Ảnh: REUTERS
Trump “đầu xuôi” nhưng “đuôi không lọt”
Đây có thể là cuộc tranh luận mà ông Trump mong muốn nhất nhưng không phải là thứ mà ông cần. Với cơ hội cuối cùng để thể hiện trước người dân Mỹ rằng ông nên được tin tưởng để giao phó chiếc ghế tổng thống, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã nỗ lực đưa ra các lý lẽ ủng hộ mình.
Bước vào cuộc tranh luận lần ba, ông Trump xuất hiện với vẻ mặt khá nghiêm nghị nhưng có phần căng thẳng, trong khi bà Clinton tham gia tranh luận trong trạng thái thoải mái. Sau gần nửa tiếng đồng hồ tranh luận về các chính sách liên quan đến Tòa án Tối cao Mỹ, quyền sở hữu súng và thậm chí vấn đề nhập cư, ông Trump đã bắt đầu nóng nảy khi nhiều lần ngắt lời đối thủ và người điều hành. Trump còn nói rằng truyền thông đã “đầu độc đầu óc” của người dân. Mạng xã hội tại Mỹ cũng dậy sóng lan truyền đoạn băng ông Trump ngắt lời đối thủ của mình, gọi bà Clinton là “người phụ nữ xấu xa”. Câu nói công kích cá nhân này được đưa ra khi bà Clinton đang trả lời về chính sách giảm nợ công và nhắc đến các lùm xùm xung quanh việc đóng thuế của ông Donald Trump.
Liên quan đến quan điểm ủng hộ việc cho phép phá thai hay không, sau khi bà Clinton tuyên bố bà ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ về việc hợp pháp hóa phá thai, ông Trump công kích rằng: “Bà ấy có thể xé toạc bụng của người mẹ để lấy đứa trẻ ra ngoài trước khi đứa bé được sinh ra”. Về vấn đề tư cách tổng thống Mỹ, ông Trump đã không thoát khỏi những đòn công kích về các cáo buộc bê bối quấy rối tình dục của ông khi được nhà báo Chris Wallace đặt câu hỏi: “Tại sao ông nghĩ họ bịa đặt?”. Đáp lại, ông Trump nói rằng những phụ nữ trong bê bối này hoặc muốn sự chú ý của mọi người, hoặc là những người ủng hộ bà Clinton cố gắng dựng nên màn kịch: “Tôi sẽ không xin lỗi vợ mình, người đang ngồi ngay trong khán phòng này, vì tôi không làm gì sai cả”.
Dù có nhiều câu trả lời thảm họa, giới quan sát vẫn đánh giá đây là màn tranh luận tốt nhất và tập trung nhất của ông Trump từ trước tới nay. Ông đã tung ra được những đòn nhận định khá nặng ký về năng lực của bà Clinton liên quan đến vụ bê bối email, việc chấp nhận tiền tài trợ từ nước ngoài, quỹ tranh cử thiếu minh bạch, cũng như nghi ngờ “mức độ đáng tin cậy” ở bà Clinton.
Bà Clinton được đánh giá điềm tĩnh trong khi ông Trump nóng nảy. Ảnh: GETTY
Bà Clinton “điềm tĩnh là trên hết”
Về phần ứng viên đảng Dân chủ, bà Clinton cũng có những phút nằm trong thế phòng thủ khi được hỏi về vấn đề email cá nhân, quỹ Clinton và các thông tin được Wikileaks tiết lộ. Sự khác biệt giữa hai ứng viên, rằng trong khi bà Clinton giữ được sự bình tĩnh và thành công khi chèo lái câu hỏi trở về các vấn đề “ruột” của bà thì ông Trump lại mỗi lúc nóng nảy hơn. Bà Clinton đã cố gắng làm chệch hướng các đòn tấn công và né tránh “mồi nhử” mà ông Trump tung ra về các cáo buộc ngoại tình của chồng, về tuyên bố rằng bà tạo ra IS và vấn đề sử dụng email cá nhân.
Việc đánh lạc hướng của bà Clinton có thể được thấy rõ khi điều phối viên Chris Wallace trích dẫn một dòng từ bài phát biểu của bà ở phố Wall được Wikileaks tiết lộ nói rằng bà ủng hộ một khu vực nhập cư mở và tự do thương mại: “Mong muốn của tôi là một thị trường thương mại chung”. Đây không phải là một câu nói được đưa ra từ ông Trump hay bà Clinton mà là của nhà báo Chris Wallace tại buổi tranh luận. Câu nói này được trích dẫn từ một bài phát biểu của bà Clinton trước đây. Sau khi giải thích rằng bà chỉ đang đề cập đến một thị trường năng lượng mở, bà Clinton cố gắng chuyển hướng câu hỏi vào một cuộc thảo luận liệu ông Trump sẽ phản đối Nga hay không, liên quan đến vấn đề tấn công mạng. Ông Trump có cố gắng để tấn công chính sách “xoay trục” của bà Clinton nhưng sau đó tiếp tục bị sa lầy trong vấn đề Nga.
Cả hai ứng viên cũng đã có những tranh cãi kịch liệt về việc ông Trump thân Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tỉ phú Trump nói: “Tôi không quen biết Putin”. Ngoài việc nói rằng tổng thống Nga không dành sự tôn trọng cho bà Clinton, ứng viên đảng Cộng hòa chỉ trích bà Clinton là một kẻ nói dối và là “con rối” của Nga.
Hãng Vox bình luận: Sau cuộc tranh luận cuối cùng này, một cuộc tranh luận nơi Trump nói rằng ông sẽ để nước Mỹ “chờ đợi trong hồi hộp’, từ chối xin lỗi và gọi bà Clinton là “người đàn bà xấu xa”, rõ ràng chính Trump đã làm cho ông thất thế trước bà Clinton. Qua các cuộc tranh luận, có thể thấy rõ Trump không có sự chuẩn bị, thiếu kỷ luật và thiếu chiến lược trong khi bà Clinton cẩn thận trong từng bước đi của mình.
Năm 2016 kết thúc trong bất ổn?
Thăm dò về cuộc tranh luận cuối cùng giữa ông Trump và bà Clinton cho thấy hơn một nửa số người theo dõi cho rằng bà Clinton đã có phần thể hiện tốt hơn đối thủ. Theo khảo sát của CNN/ORC thực hiện, hơn 52% số người theo dõi cho rằng bà Clinton đã chiến thắng. Trong khi đó chỉ có 31% số người theo dõi nghĩ phần thắng thuộc về ông Trump.
Các khảo sát hiện đều cho thấy vị tỉ phú người Mỹ đã bị cựu nữ ngoại trưởng Mỹ bỏ khá xa. Còn chưa đầy một tháng nữa cuộc bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra. Các chuyên gia cho rằng cơ hội để ông Trump lội ngược dòng thành công là quá mong manh. Một thất bại cho vị tỉ phú tai tiếng là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, cũng từ những tranh luận trong lần “so găng” tại Las Vegas, giới quan sát lại thêm lo ngại trước một kết thúc không bình yên cho năm 2016 đầy sóng gió của nước Mỹ. Cụ thể, ông Trump đã được người dẫn chương trình Chris Wallace chất vấn liệu sẽ chấp nhận ủng hộ bà Clinton trong trường hợp thua cuộc hay không. Ứng viên đảng Cộng hòa trả lời một cách lưỡng lự rằng: “Đến lúc đó tôi sẽ nói cho các bạn biết. Tôi sẽ để các bạn trong tình trạng hồi hợp chờ đợi, được chứ?”. Tờ Financial Times nhận định đây thật sự là một khoảnh khắc tệ hại của ông Trump trong cuộc tranh luận.
Trong lịch sử nước Mỹ, chưa từng có bất kỳ ứng viên tổng thống Mỹ nào từ chối chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử. Nhiều người lo ngại khả năng ông Trump phá vỡ truyền thống chuyển giao quyền lực trong ổn định và hòa bình của nước Mỹ. Theo bình luận viên Chris Cillizza của báo Washington Post, câu trả lời theo kiểu “hãy chờ mà xem” của ông Trump chắc chắn sẽ là đề tài được đem ra bàn luận nhiều nhất sau cuộc tranh luận lần này.