Ngày 30-10, Sở GD&ĐT TP.HCM đã thông tin về tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và sách giáo khoa (SGK) lớp 1 trên địa bàn TP.HCM.
Giáo viên không nóng vội, không gây áp lực cho HS
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018 và SGK mới, bắt đầu với khối lớp Một.
Chương trình GDPT 2018 xây dựng trên cơ sở học sinh được 2 buổi/ngày và sĩ số hạn chế. Điều này chưa thể thực hiện đồng loạt tại TP.HCM. Ngành GD&ĐT TP đã ban hành các hướng dẫn chuyên môn, tổ chức tập huấn, Hội nghị, Hội thảo cũng như trực tiếp đi đến các cơ sở giáo dục tại những địa bàn nhiều khó khăn để hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị triển khai chương trình một cách hiệu quả.
Trước những phản ánh của dư luận về áp lực khi thực hiện chương trình mới, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo giáo viên lớp Một chủ động điều chỉnh tiến độ thực hiện chương trình, bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng, bám sát thực tiễn học sinh, không nóng vội, không gây áp lực cho các em trong năm đầu cấp.
Học sinh trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Bên cạnh ban hành văn bản, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo theo mạng lưới và trực tiếp tổ chức giám sát việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rà soát, góp ý; tổ chức tiếp nhận những phản ánh.
Trước những khó khăn của học sinh khi tiếp cận chương trình, Sở GD&ĐT cũng có hướng dẫn tháo gỡ về chuyên môn, trong đó giao quyền tự chủ cho giáo viên, giáo viên chủ động thực hiện chương trình, chủ động sử dụng các ngữ liệu thay thế các ngữ liệu không phù hợp trong SGK. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường trang bị tất cả các bộ sách trong thư viện để giáo viên tham khảo, đồng thời với những thư viện có sẵn, kịp thời điều chỉnh những ngữ liệu chưa phù hợp.
Sở GD&ĐT cũng có khuyến cáo phụ huynh không nên so sánh giữa chương trình mới và chương trình cũ vì những yêu cầu, mục tiêu khác biệt. Giáo viên cũng không nóng vội mà cần bám sát các chuẩn kiến thức, kỹ năng để chủ động điều chỉnh theo thực tế lớp học.
Có tình trạng giới thiệu mua xuất bản phẩm tham khảo
Sở GD&ĐT cho biết, trong thời gian qua, có một số trường không thực hiện đúng quy định, giới thiệu các tài liệu bổ trợ, các xuất bản phẩm tham khảo có tính áp đặt, gây hiểu lầm, tạo áp lực cho phụ huynh. Sở đã có văn bản nhắc nhở các trường thực hiện đúng quy định. Trong đó nhấn mạnh một số nội dung:
Thủ trưởng các đơn vị quyết định phê duyệt danh mục xuất bản phẩm tham khảo để có kế hoạch mua sắm, bổ sung vào thư viện nhà trường phục vụ cho việc nghiên cứu của giáo viên và học tập của học sinh.
Giáo viên và cán bộ quản lý tuyệt đối không thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Có trò trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9 trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Người đứng đầu các trường chịu trách nhiệm về danh mục xuất bản phẩm tham khảo lưu hành trong đơn vị.
Thực tế, việc sử dụng các xuất bản phẩm tham khảo trong trường là cần thiết, bổ trợ hoạt động dạy của thầy và học của trò. Các trường phải bổ sung nguồn tư liệu trong Thư viện nhà trường để giáo viên và học sinh chủ động tham khảo; khuyến khích học sinh và cha mẹ học sinh trang bị nếu có điều kiện nhưng không bắt buộc, không tạo áp lực cho phụ huynh.
Thiếu SGK đầu năm học
Đầu năm học có tình trạng thiếu SGK. Nguyên nhân do năm nay triển khai SGK mới, việc chọn sách cũng có thay đổi từ năm học tới (Bộ có Thông tư điều chỉnh), nên các đại lí phát hành, các nhà sách không dám nhập sách nhiều như mọi năm (hầu hết nhà sách đều không đủ sách hoặc không bán riêng).
Sở GD&ĐT cũng đã dự báo trước và yêu cầu các trường hỗ trợ phụ huynh nhưng cũng gặp khó khăn vì việc dự báo số lượng học sinh bị biến động (tăng dân số cơ học) nên chưa chính xác, một số phụ huynh muốn tự mua sách bên ngoài (việc phát hành sách trong trường không bắt buộc), một số trường chọn SGK không theo bộ (một trường có nhiều bộ sách theo môn học)…
Những nội dung này, Sở GD&ĐT đã theo sát, phối hợp với các Nhà xuất bản xử lí sớm nhất trong khả năng và đã đảm bảo có đủ sách cho học sinh.
Ba kiến nghị của Sở GD&ĐT Bộ GD&ĐT cần sớm sửa đổi Thông tư số 16 về ban hành danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các trường công lập phù hợp với các môn học/hoạt động giáo dục đặc thù của từng cấp học, đáp ứng chương trình mới. Trong đó, chú ý đến giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Nhạc… Sở kiến nghị diều chỉnh Thông tư số 36 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có quy định không chi kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức. Trước yêu cầu mới của chương trình GDPT 2018, nhất là đối với các trường tiểu học không thu học phí, việc nhà trường cân đối nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp để hỗ trợ việc tập huấn bồi dưỡng giáo viên là không phù hợp. Ngoài ra, việc bồi dưỡng lí luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên sau này cũng sẽ rất khó khăn. Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để tạo cơ sở pháp lý cho các trường thực hiện việc xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất trong giai đoạn triển khai CT mới. Cần hướng dẫn rõ quy định về thời lượng giáo dục tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết học để các trường xây dựng kế hoạch phù hợp ; xác định các môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận khi thực hiện xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa. |