Chiều 9-11, trao đổi với PLO, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay tỉnh này đã sơ tán hàng ngàn người ở ra khỏi các khu vực nguy hiểm để tránh bão số 12.
Người dân thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên chằng chống nhà cửa. Ảnh: TẤN LỘC
Theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã kiểm tra liên tục vùng nuôi hải sản vịnh Xuân Đài, yêu cầu tất cả những người nuôi, canh giữ phải vào đất liền. Những người cố ý không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
“Ý thức người dân trong ứng phó, phòng chống bão lũ ngày càng cao. Khi nghe tin có bão, phần lớn người dân thu xếp, rời lồng bè vào đất liền để tránh bão”- ông Dũng nói.
Ngoài những người trên các lồng bè, thị xã Sông Cầu còn sơ tán 981 hộ với hơn 3.240 người ở vùng triều cường, ngập úng đến các nhà dân kiên cố để tránh bão. Hiện tại vịnh Xuân Đài có 10 tàu vận tải với 80 thuyền viên, hành khách đang neo đậu tránh trú bão.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra công tác ứng phó bão số 12 tại vùng ven biển TP Tuy Hòa. Ảnh: TẤN LỘC
Ghi nhận của PV cho thấy chiều 9-11 nhiều người dân thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên) hối hả chằng chống nhà cửa, dùng bao cát để che chắn, ngăn sóng biển tấn công vào các khu dân cư.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết chính quyền địa phương đã sơ tán hơn 50 hộ gia đình có nhà sát biển đi biển.
“Thôn Mỹ Quang Nam có hơn 50 căn nhà bị triều cường, sóng biển uy hiếp trực tiếp. Nếu bão đổ bộ vào gặp lúc triều cường dâng cao sẽ hết sức nguy hiểm. Do đó, chúng tôi kiên quyết đưa người dân vào khu vực an toàn”- ông Thành thông tin.
Ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Mỹ Quang Nam) có nhà mặt biển đang cùng hàng xóm dùng bao cát chất thành bờ kè tạm chắn sóng.
“Mỗi khi có gió bão, sóng biển đánh dữ dội, tấn công sâu vào các căn nhà. Nếu không che chắn, các căn nhà có thể bị cuốn đi bất cứ lúc nào” - ông Hùng lo lắng.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (bìa trái) kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền tránh bão tại thị xã Sông Cầu. Ảnh: TẤN LỘC
Theo ông Trần Hữu Thế, đến 18 giờ cùng ngày, TP Tuy Hòa đã sơ tán gần 1.000 người có nhà ở các vùng ven biển, có nguy cơ sạt lở, triều cường xâm thực đến nơi an toàn để tránh bão. Nhiều lực lượng chức năng của tỉnh Phú Yên, TP Tuy Hòa đã đưa phương tiện, triển khai phương án cứu hộ cứu nạn tại các vùng ven biển, cửa sông.
“Thông qua các mạng viễn thông, UBND tỉnh Phú Yên đã nhắn tin cảnh báo bão đến tất cả người dân có sử dụng dịch vụ viễn thông trong tỉnh. Chúng tôi quán triệt từ chính quyền đến người dân tuyệt đối không chủ quan với cơn bão. Việc đảm bảo an toàn cho người dân phải đặt lên hàng đầu. Nơi nào thiếu phương tiện, cơ sở vật chất, chúng tôi cho tăng cường ngay để đưa người dân đến nơi an toàn” - ông Thế nói.
Người dân dùng bao cát làm kè tạm chắn sóng biển tại xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC
*Chiều 9-11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, cho hay các địa phương ở tỉnh này đã chuẩn bị phương án sơ tán hơn 23.300 người ở các vùng nguy hiểm, xung yếu đi tránh bão số 12.
Theo nguồn tin trên, tỉnh Khánh Hòa hiện có 174 vị trí có nguy cơ sạt lở đang cảnh báo người dân sẵn sàng sơ tán; 110 điểm ngầm, cầu, tràn nguy hiểm sẽ được bố trí lực lượng chốt chặn khi có mưa, lũ lớn.
Riêng tại TP Nha Trang có 84 điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở; trong đó xã Phước Đồng nhiều nhất với 18 điểm. Đây là khu vực liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở khiến hàng chục người chết trong các mùa mưa bão trước.
Tỉnh Khánh Hòa có đến hơn 13.600 lao động trên các lồng bè nuôi thủy sản. Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân chằng néo lồng bè, yêu cầu các lao động rời khỏi lồng bè, vào bờ tránh bão trước 18 giờ ngày 9-11.