Chỉ trong vòng nửa tháng qua, Ấn Độ đã có 2 cuộc thử nghiệm tên lửa thành công. Như vậy, quân đội Ấn Độ đã có 2 ”thanh kiếm” quan trọng trong bộ sưu tập vũ khí đồ sộ để khẳng định vị thế quan trọng trên bản đồ châu Á và thế giới. “Đoản kiếm” BrahMos Vào ngày 18-11 tại khu vực Pokhran, Rajasthan, thế hệ mới nhất của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được phát triển bởi Ấn Độ và Nga đã được thử nghiệm thành công. Mẫu tên lửa BrahMos mới nhất được thử nghiệm có tầm bắn tối đa 290km được khai hỏa từ một bệ phóng di động vào lúc 10g55 (giờ địa phương). Tên lửa sau khi được bắn đi đã hướng theo quỹ đạo xác định trước đâm thẳng vào mục tiêu giả định với vận tốc tối đa lên tới 2.8 Mach (tức 2,8 lần tốc độ âm thanh).
“Đoản kiếm” BrahMos
BrahMos không phải là cái tên xa lạ với các chuyên gia quân sự. BrahMos được phát triển dựa trên sự hợp tác giữa NPO Mashinostroeyenia của Nga và tổ chức nghiên cứu và phát triển bộ quốc phòng của Ấn Độ trong chương trình không gian mang tên BrahMos. Tên của loại tên lửa này viết tắt của tên hai con sông là: Brahmaputra của Ấn Độ và Moscow của Nga. BrahMos được tuyên bố là có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt nước với độ cao thấp hơn 10m. Nó có thể đạt vận tốc 2,8 Mach và có tầm hoạt động tối đa là 290km. Mẫu tên lửa phóng từ tàu được gắn đầu đạn 200kg còn mẫu phóng từ máy bay (BrahMos A) có thể gắn đầu đạn 300kg. Nó có động cơ hoạt động chia làm hai giai đoạn, một là đốt cháy nhiên liệu rắn để đẩy tên lửa đạt đến vận tốc siêu thanh sau đó sẽ chuyển sang nhiên liệu lỏng đẩy phản lực để duy trì vận tốc đó trong quãng đường dài. Hệ thống dẫn khí của tên lửa sẽ làm cho việc đốt cháy nhiên liệu lỏng của động cơ hiệu quả hơn khiến cho BrahMos có thể bay xa hơn các tên lửa khác có cùng kích cỡ đốt nhiên liệu một cách thông thường. Với tốc độ cao BrahMos có thể dễ dàng đâm xuyên qua mục tiêu hơn các loại tên lửa hạng nhẹ bay dưới tốc độ âm thanh khác như tên lửa Tomahawk. Với trọng lượng gấp đôi (3.000kg) và nhanh hơn bốn lần tên lửa Tomahawk, BrahMos có lực tác động mạnh hơn 32 lần tên lửa Tomahawk khi đâm vào mục tiêu (xung lực tỷ lệ khối lượng nhân với bình phương của vận tốc). Tuy nhiên BrahMos sử dụng đầu đạn nặng chỉ bằng 3/5 tên lửa Tomahawk và tầm bay ngắn hơn nhiều vì thế chỉ thích hợp trong việc tác chiến nhanh và gần (trong tầm hoạt động của tên lửa).
“Trường kiếm” Dhanush
Từ năm 2004, Ấn Độ đã liên tục thử nghiệm loại tên lửa này và liên tục đạt được những thành tựu tiến bộ. Sau 3 năm thử nghiệm, năm 2007, Ấn Độ thử nghiệm thành công Brahmos Block-I và đưa vào sử dụng trong quân đội luôn với các biến thể dạng hạm đối đất, hạm đối hạm và đất đối đất. Họ cũng đang thử nghiệm để trang bị cho đất đối hạm, không đối hạm, không đối đất, tàu ngầm đối hạm và tàu ngầm đối đất. Năm 2007, Ấn Độ nghiên cứu Brahmos Block-II và thử nghiệm thành công vào 2009. Khi đó, phát ngôn của Ấn Độ khẳng định: "Tên lửa có những tính năng mới độc đáo và sẽ đánh trúng vào mọi mục tiêu mà không cần biết kích thước của chúng, cho dù là mục tiêu nhỏ trong một dãy nhà lớn. Ấn Độ là nước duy nhất trên thế giới hiện nay có được công nghệ tiên tiến này". Sau đó, họ bắt tay vào thử nghiệm Brahmos Block thế hệ thứ 3 và giờ đã thành công. Đặc điểm của tên lửa thế hệ mới này là nó hiệu quả với các mục tiêu mặt đất khi bay với độ cao thấp hơn 10m, dùng để tấn công thọc sâu vào các căn cứ để tiêu diệt mục tiêu chính mà không phá hủy nhầm những thứ xung quanh. BrahMos Block-III có khả năng bay bám sát mặt đất với địa hình gồ ghề để đến được mục tiêu với khả năng bị phát hiện ở mức thấp nhất. Dù mục đích chính của BrahMos là tên lửa chống tàu nhưng nó cũng có thể dùng để đánh vào các mục tiêu cố định trên đất liền. Nó có thể được phóng thẳng đứng hay nghiêng và có thể bẻ một vòng 360 độ. BrahMos có thể phóng từ đất liền, trên tàu, trên không hay thậm chí bởi tàu ngầm hay bệ phóng dưới mặt nước. Mẫu phóng từ trên không có một bộ phận gia tốc nhỏ (để đẩy tên lửa bay cùng vận tốc với máy bay trước khi kích hoạt động cơ đẩy chính) và thêm một số đuôi định hướng để giữ ổn định trong khi phóng. BrahMos được thiết kế cơ bản có thể gắn trên Su-30MKI. Dùng tên lửa Brahmos thế hệ 3 trang bị cho các quân chủng thì Ấn Độ sẽ có thanh kiếm tốt phục vụ trong các cuộc cận chiến với tầm hỏa lực trong phạm vi 290 cây số với khả năng ra đòn có độ chính xác cực cao với tốc độ cực nhanh và khả năng công phá lớn. “Trường kiếm” Dhanush 4 ngày sau khi thử nghiệm thành công Brahmos, Ấn Độ tiếp tục khiến giới quân sự thế giới phải ngả mũ thán phục khi thử nghiệm thành công tên lửa chiến lược Dhanush. “Bộ chỉ huy các lực lượng chiến lược ba quân chủng Ấn Độ (SFC) đã thử nghiệm thành công tên lửa Dhanush từ một tàu hải quân”, tờ Times of India dẫn lời một quan chức quốc phòng Ấn Độ. Tên lửa đất đối đất Dhanush, phiên bản dành cho hải quân của loại tên lửa Prithvi do Ấn Độ sản xuất, đã được SFC phóng thử tại một địa điểm ở vịnh Bengal và đây là một trong số năm loại tên lửa do Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) chế tạo. Khác với Brahmos là sản phẩm cùng chế tạo với Nga, tên lửa chiến lược Dhanush là sản phẩm riêng của quân đội Ấn Độ. Nó là vũ khí được phát triển nâng cấp từ tên lửa Prithvi được Ấn Độ nghiên cứu và cải tiến nhiều lần suốt trong 30 năm qua. Năm 1988, Ấn Độ sản xuất thành công tên lửa Prithvi thế hệ 1 có khả năng mang tải 1.000kg với tầm bắn 150 cây số. Năm 1996, Ấn Độ phát triển thành công tên lửa Prithvi thế hệ 2 với khả năng mang tải 500kg nhưng tầm bắn đã cải thiện thành 250 cây số. Năm 2004, Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa Prithvi thể hệ 3 với khả năng mang tải 1.000kg và tầm bắn 350 cây số. Và giờ là tên lửa Dhanush với tải trọng 500kg nhưng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Theo bản thử nghiệm lần này, Dhanush chỉ giới hạn ở phạm vi 350 cây số và áp dụng cho tàu hải quân mà thôi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, kỹ thuật của Ấn Độ đủ để họ nâng tầm bắn của Dhanush lên cả ngàn cây số với đầu đạn hạt nhân được trang bị. Sở dĩ Ấn Độ không thử nghiệm các tên lửa Dhanush bắn tầm xa và trang bị cho lục quân ngay là do e ngại phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế đặc biệt là hai nước láng giềng có nhiều hiềm khích là Trung Quốc và Pakistan. Cần nhớ, một khi tên lửa được nâng tầm hoạt động lên quá 500 cây số thì nó không còn là vũ khí tự vệ mà đã trở thành phương tiện tấn công trong chiến tranh. Tạm thời, cả đoản kiếm BrahMos và trường kiếm Dhanush đều ưu tiên trang bị cho lực lượng hải quân vốn đã có 3 tàu sân bay, thông điệp của Ấn Độ rất rõ ràng rằng họ là ông chủ của Ấn Độ Dương và sẵn sàng cho các chiến dịch xa bờ. Tuy vậy, Ấn Độ vẫn không quên thử nghiệm những mẫu vũ khí này cho cả lục quân và không quân.
Theo Anh Tú (Thế giới hội nhập)