Sống lành đâu cứ phải về quê

(PLO)- Cuộc sống hướng xanh, lành mạnh không phụ thuộc vào nơi bạn ở mà cốt ở cách bạn sống…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Rất nhiều người mang trong mình xu hướng về quê dưỡng già - về để tận hưởng cuộc sống xanh mà theo họ là có khí hậu trong lành, mát mẻ, ngắm cái view thuần khiết. Vậy phố thị sẽ ra sao nếu người người đưa nhau về quê đi trốn?

* * *

Ông Tư sinh ra ở TP.HCM nên nào có vùng quê để về? Lẽ dĩ nhiên ông không tìm đến quê hương thứ hai để hưởng cuộc sống xanh, lành mạnh kiểu “túp lều lý tưởng” như bao người mong ngóng. Nhưng ông Tư có quan điểm rằng sống xanh không phụ thuộc vào nơi bạn ở mà là cách bạn sống. Nếu phong cách sống luôn hướng tới những điều lành mạnh thì ở đâu bạn cũng thấy được sức sống xanh tràn trề khiến đời tươi phơi phới.

Buổi tối ông bà Tư nắm nay nhau đi bộ vòng quanh cái công viên nhỏ xíu gần nhà. Ông bà bắt nhịp công nghệ số nhanh dữ thần nên trong điện thoại đã bật cái app đi bộ ấn định mỗi ngày 6.000 bước chân.

41-Anh-1.jpg

* * *

Sức khỏe của ông bà Tư dồi dào, tinh thần tích cực và mê nhất là lối sống lành mạnh, xanh từ tâm hồn đến hành động. Hằng ngày ông sử dụng các vật dụng không phải màu xanh nhưng được sản xuất từ công nghệ xanh. Ví dụ như đôi dép ông bà Tư sử dụng đi lại trong nhà được làm từ cói nhưng nhìn lại rất thời thượng, bắt mắt. Đặc biệt, rác thải của gia đình ông cũng chẳng mấy liên quan đến túi nylon nhựa. Thùng rác được ông bà phân loại rất kỹ, đồ nhựa là gom lại đổi lấy cây xanh hoặc đem cho các cô lượm ve chai để bán cho mấy nhà tái chế. Còn lại những rác thải sinh hoạt, ông chi thêm một chút kinh phí để mua loại túi tự hủy dùng cho an toàn.

Trong nhà ông Tư, dù rất ít cây xanh lớn nhưng không khí rất trong lành bởi những chậu rau nho nhỏ và những vật dụng an toàn cho môi trường. Bộ dầu gội, sữa tắm nhà ông Tư được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên, không có sợi hóa chất tổng hợp, không có hại cho da và khi thải xuống cống cũng không bị vón cục, không làm tắc nghẽn dòng chảy của nước.

Với ông Tư, quan trọng là phải có ý thức và xây dựng được thói quen sống hướng về môi trường xanh, sạch. Nếu bạn không có ý thức ấy thì dù ở đâu bạn cũng là kẻ phá hoại môi trường. Bạn ở nông thôn, màu xanh luôn mơn mởn và bạn cậy có được những thứ xanh tươi trời ban ấy nên không gìn giữ thì một ngày không xa màu xanh đó cũng tàn úa. Rõ thấy nhất là thiên tai, lũ lụt, sạt lở đã tìm đến nhiều vùng quê yên bình và một phần do đâu có lẽ bạn đã biết.

Một thành thị văn minh rất cần một cuộc sống xanh để cân bằng, thế nhưng không ai có thể cân bằng giữa phát triển công nghệ và màu xanh của cuộc sống bằng chính con người sống ở nơi đó.

Bà Tư luôn tâm đầu ý hợp với chồng, bà cũng nghĩ sống xanh cần được len lỏi vào trong cả những hành động mỗi ngày dù nhỏ nhặt nhất. Ông bà Tư còn ý thức rằng ăn uống mà thừa thãi là rất phí phạm, đổ thải ra môi trường không chỉ “phí của trời” mà còn gây ô nhiễm không khí. Thức ăn thừa cũng chính là một trong những loại rác thải phổ biến nhất. Và để hạn chế loại rác này, bà Tư đã lên kế hoạch ăn uống cho từng tuần một, bà dự tính lượng thực phẩm cần mua, tránh thừa thãi, lãng phí. Không có thức ăn thừa, tức là ít phải vứt rác, cũng đồng nghĩa với việc lượng rác thải ra môi trường sẽ ít hơn.

Với ông bà Tư, giữ môi trường sống màu xanh không hẳn là vì chính gia đình ông bà mà đó là tài sản để lại cho các thế hệ sau này. Mình bỏ ra môi trường bao nhiêu chất thải độc hại, khó phân hủy thì tất cả thứ này sẽ đổ lên đầu thế hệ sau. Mình làm, con cháu mình gánh chịu.

* * *

Ông bà Tư thấy chính quyền TP.HCM và nhiều cơ quan, tổ chức luôn thực hiện những chương trình xanh hướng về môi trường sạch, đưa cuộc sống lành mạnh đến với từng người dân nhưng ngược lại chính người dân như ông bà cũng cần phải hành động tích cực, sôi nổi, nghiêm túc. Chỉ có chung tay mới có thể thực hiện được mục tiêu giữ gìn môi trường này, bầu không khí này như một thứ tài sản quý giá để lại cho các thế hệ sau.

Cuộc sống hướng xanh không phụ thuộc vào nơi bạn sống mà ở cách bạn sống. Ảnh: Freepik

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm