Sống với người tâm thần phải làm sao?

Gần đây đã xảy ra những vụ việc đau lòng do người tâm thần gây ra. Mới đây nhất, ngày 15-7, một người mẹ giết hai con rồi ném xuống giếng ở Bình Phước. Người tâm thần nặng thì vào trung tâm tâm thần, người tâm thần nhẹ thì thường chung sống với gia đình. Câu hỏi đặt ra là sống chung với người mắc bệnh tâm thần sao cho an toàn?

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Sơn, bác sĩ chuyên khoa I tâm thần, Trưởng phòng Y tế Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, về vấn đề này.

Không tự tiện ngưng thuốc

. Phóng viên: Thưa ông, có phải nhiều người mắc bệnh tâm thần vẫn sinh hoạt như người bình thường nên khiến người nhà chủ quan?

+ Ông Vũ Đình Sơn: Bệnh tâm thần không giống như những bệnh thông thường khác vì nó không bộc lộ ra bên ngoài, người bệnh dễ có những hành động không lường trước được. Bệnh không bao giờ chữa khỏi. Tôi từng gặp một trường hợp đau lòng ở Củ Chi. Người mẹ già chỉ có một đứa con trai nhưng mắc bệnh. Bà chăm sóc con rất kỹ, ngày nào cũng pha đầy ly sữa cho con uống nhưng có một hôm vì nấu nước không đủ nên pha lưng ly thì bị con cự nự cho rằng bà đã uống bớt. Nửa đêm hôm đó, lựa lúc bà ngủ, đứa con đã xuống tay giết mẹ.

. Làm thế nào để nhận biết một người mắc bệnh tâm thần, thưa ông?

+ Người nhà cần phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh để đưa họ đi điều trị như mất ngủ, khó ngủ liên tục 3-4 ngày; có những hành động đi ngược lại số đông như thu mình lại, cô độc, nói vớ vẩn, gặp cái gì đó thì hét lên, bỏ đi lang thang… Việc ngưng thuốc hay giảm thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định chứ không nên tự tiện ngưng thuốc khi thấy người bệnh không lên cơn nữa. Một số gia đình có người bệnh đã mặc cảm nên không dám nói cho người ngoài biết, không dám đưa đi điều trị nên để bệnh càng trầm trọng hơn.

Giếng nước ở Bình Phước nơi người mẹ vứt hai con xuống. Ảnh: NĐ

Không để ở một mình với con trẻ

. Làm cách nào để sống chung an toàn với người bệnh?

+ Người bệnh rất khó uống thuốc nên cần theo dõi đều đặn và nếu khó quá thì nhờ bác sĩ điều trị nhắc nhở (thông thường người bệnh rất nghe lời bác sĩ). Khi người bệnh có những dấu hiệu bất thường thì cần đưa đi thăm khám để bác sĩ tăng, giảm liều.

Một lưu ý quan trọng là cần đối xử với người bệnh như người bình thường, không tranh luận tận cùng vấn đề với họ. Tuyệt đối không được xúc phạm kiểu “mày tâm thần thì biết cái gì”, điều này khiến họ rất dễ nổi xung thiên lên. Người bệnh rất tình cảm và dễ tự ái hơn người bình thường nên đừng xa lánh, khinh khi họ khiến họ găm hận trong lòng. Từng có trường hợp người anh đi làm về mệt nên khi nghe em lải nhải thì la nên họ tự ái vì nghĩ mình là thứ bỏ đi trong xã hội, mỗi ngày tích tụ một ít đến một ngày đỉnh điểm, bệnh nhân cầm dao đâm anh.

Người nhà nên cất tất cả những đồ gây sát thương như dao, kéo. Tránh để người bệnh ở một mình với con nít. Nên tìm công việc nhẹ nhàng, phù hợp, không theo dây chuyền mà độc lập có lương cho họ như dán gia công bao diêm, se nhang, trồng cây… để họ cảm thấy mình là người có ích. Tránh để người bệnh thức khuya; cần có chế độ dinh dưỡng ít mỡ, dễ tiêu, tạo không gian yên tĩnh cho người bệnh.

Khi người bệnh lên cơn thì phải theo dõi, nhờ sự hỗ trợ của công an, tổ dân phố phối hợp đưa đi bệnh viện chứ không tự tiện nhốt, khống chế họ; hoặc cho tiếp xúc với người mà người bệnh tin tưởng để khuyên nhủ họ.

. Cộng đồng cần có ứng xử như thế nào đối với người mắc bệnh tâm thần?

+ Cộng đồng cần tránh những hành vi như ném đá, chọc ghẹo người tâm thần. Ai cũng muốn được đối xử bình thường, kể cả người tâm thần. Họ là những người đáng thương hơn cả vì chẳng ai muốn mình mắc bệnh. Khi người ta tỏ ra dữ tợn thì mình cần tỏ ra thân thiện, chào hỏi họ bình thường. Thỉnh thoảng đi ngoài đường tôi vẫn gặp những người tâm thần lên cơn la hét ai cũng sợ, tránh xa nhưng tôi chỉ cần lại nói chuyện, mời họ vào lề đường rồi dẫn đến công an phường mời tổ LĐ-TB&XH của phường lập hồ sơ tập trung vào cơ sở bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, tôi không khuyên mọi người làm điều này vì không phải ai cũng có kỹ năng nói chuyện với người tâm thần.

Càng ngày người mắc bệnh tâm thần càng nhiều do nền kinh tế ngày càng phát triển, hôm nay anh là chủ doanh nghiệp có nhiều người tâng bốc, ngày mai anh phá sản, vào tù, bị xa lánh nên rất dễ tâm thần. Cộng thêm việc sử dụng ma túy đá khiến tỉ lệ thanh niên bị loạn thần, hoang tưởng ngày càng cao.

. Xin cám ơn ông.

Trung tâm điều dưỡng bệnh tâm thần quá tải

Hai trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức và Tân Định đã quá tải nên sắp tới Sở LĐ-TB&XH sẽ chuyển đổi chức năng Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức để nuôi dưỡng người tâm thần (hiện đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân). Người bệnh tâm thần phân liệt hoặc hoang tưởng cần được điều trị cách ly với xã hội, tùy theo tình trạng bệnh mà quyết định cho về chung sống với gia đình hay không. Nếu người bệnh điều trị tại nhà sẽ được cấp phát thuốc điều trị miễn phí tại phường. Nếu được xác định thuộc diện khuyết tật nặng sẽ được trợ cấp xã hội hằng tháng.

BS VŨ ĐÌNH SƠN, Trưởng phòng Y tế Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Những cái chết đau lòng

- Nguyễn Văn Thương (33 tuổi), ngụ xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk là người có tiền sử bệnh tâm thần, đã có vợ và hai con nhỏ. Trong thời gian chung sống với nhau, Thương hay đánh đập vợ con không vì lý do gì. Không chịu nổi tính khí thất thường của chồng, người vợ này đã đưa hai con về nhà bố mẹ đẻ. Thương sống cùng với mẹ là bà Đặng Thị Cúc (78 tuổi). Tối 8-5, Thương dùng xà beng sát hại mẹ ruột.

- Ngày 7-5, tại phường Tân Thành, TP Thái Nguyên, ông Dư và bà Chăn đang cho hai cháu nội là ĐAT và ĐNA ăn cơm trước thềm nhà bỗng Đào Văn Dương cầm dao phay tiến lại gần và nói: “Con xin phép bố mẹ cho con giết con T.”. Tưởng con nói đùa, không ngờ Dương dùng dao phay cứa vào cổ con gái bốn tuổi. Chỉ khi ông Dư cùng những người dân chạy đến khống chế thì Dương mới dừng lại. Trước đó, Dương thường uống rượu và có biểu hiện bất thường về bệnh tâm thần hoang tưởng.

- Ngày 24-4, tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, dư luận xôn xao, bàng hoàng khiNguyễn Thị Giang Nam (27 tuổi), quê Bắc Giang, lấy dao chém tử vong đứa con mới hơn bốn tháng tuổi. Trước khi xây dựng gia đình, Nam ít nói, có dấu hiệu trầm cảm. Đặc biệt, sau khi sinh cháu Ninh Trường Đ. (SN 2014), bệnh trầm cảm của Nam nặng thêm. Khi chồng và gia đình đưa Nam xuống Hà Nội chữa bệnh, lưu trú tại Khu đô thị Đặng Xá thì Nam đã gây án với chính con đẻ.

____________________________________

Bệnh tâm thần có rất nhiều mã bệnh, mỗi bệnh có một biểu hiện khác nhau. Một trong những bệnh gây nguy hại mà phổ biến là tâm thần phân liệt. Người bệnh sẽ rơi vào những trạng thái sau:Một làhoang tưởng, luôn nghĩ rằng mình đang bị đầu độc, ám hại, bị theo dõi dù thực tế không phải vậy. Khi nghĩ rằng mình đang bị người nào đó hại thì họ sẽ tìm cách hại người đó trước...Hai làngười đó bị ảo giác. Khi đó trong đầu họ luôn có ai đó bảo “mày phải giết thằng kia đi, phải giết đi…” và họ phải hành động.

Bệnh tâm thần phân liệt không bao giờ chữa khỏi, gần như phải uống thuốc cả đời. Người bệnh nếu được uống thuốc đều đặn, thường xuyên thì sẽ sinh hoạt bình thường như bao người khác. Những trường hợp đau lòng xảy ra là do gia đình không theo dõi điều trị, để bệnh nhân tự “bơi” gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội.

BS TRỊNH TẤT THẮNG, Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm