Theo đó, vào sáng chủ nhật, 14-6, Bộ Y tế sẽ tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH tại quận 7, với khoảng 3.000 người tham gia.
Sau lễ mít tinh, xe đặc nhiệm phòng chống SXH do Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM và Sanofi Pasteur tổ chức di chuyển đến tám tỉnh, thành có nguy cơ về SXH để tuyên truyền và vận động người dân cùng tham gia các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy. Tám tỉnh, thành gồm: TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hoà, Đà Nẵng và Đắc Lắc.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết trên thế giới có khoảng 3,9 tỉ người sống trong vùng ảnh hưởng SXH, mỗi năm có 300 triệu người mắc, 500 ngàn người bị nặng và tỉ lệ tử vong từ 2,5-5%. SXH là căn bệnh mà các chuyên gia y tế cho rằng đây là căn bệnh thế kỷ 21. PGS Lân kêu gọi tất cả mọi tổ chức xã hội, cộng đồng cùng hưởng ứng phòng, chống SXH nhằm giảm mắc và tử vong.
Trong nước, năm tháng đầu năm 2015 đã có 10 ngàn ca mắc, tăng hơn cùng kỳ 2014. Tại TP.HCM năm tháng đầu năm cũng đã có gần 4.200 ca, tăng 27% so với cùng kỳ và tử vong hai ca.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng thời gian tới SXH tiếp tục có diễn biến phức tạp. Mặc khác, công tác phòng chống SXH còn gặp nhiều khó khăn do người dân không hợp tác, để nhiều vật chứa nước, không cho xịt thuốc khiến dịch kéo dài dai dẳng. "SXH gia tăng ở những tỉnh có thay đổi về đô thị hoá, biến động dân cư và thay đổi về môi trường. Bệnh nhân SXH tử vong là do đi lòng vòng, đến khi nặng mới đến cơ sở y tế và tử vong. Nếu không quyết liệt phòng, chống thì dịch sẽ bùng phát, nhất là vào mùa mưa", ông Phu nói.
Viện Pasteur TP.HCMvà Sanofi Pasteur còn tổ chức cuộc thi làm phim ngắn với chủ đề: Chung tay phòng chống DXH. Cuộc thi kéo dài từ 12-6 đến 1-8-2015. Có một giải nhất trị giá 15 triệu đồng; một giải nhì tám triệu đồng; một giải ba bốn triệu đồng và bốn giải khuyến khích, mỗi giải hai triệu đồng. |