Vượt rào, đạp nát xe ô tô khi xem ca nhạc

Sự ứng xử không phù hợp ở không gian công cộng

Hiện tượng đám đông thanh niên tham gia lễ hội âm nhạc đứng lên nóc xe ô tô của người khác đến hỏng cả xe, vượt rào chắn của ban tổ chức và gây rối loạn một lần nữa cảnh báo tình trạng nhiều thanh niên ứng xử không phù hợp ở những địa điểm công cộng.

Đây là một hiện tượng nhất thời, nhưng khi xâu chuỗi nó với những câu chuyện đã xảy ra trước đó, dường như chúng ta sẽ có những suy nghĩ khác. Và điều đáng lo là cách ứng xử này đang ngày một phổ biến.

Nhóm thanh niên đạp lên chiếc xe ô tô để xem ca nhạc. Ảnh: Internet

Trước đó, truyền thông đăng tải hình ảnh nhiều thanh niên ngang nhiên dẫm lên hoa, bẻ hoa ở những lễ hội văn hóa, vừa uống bia vừa hát to bằng loa ở bãi biển, hay nghiêm trọng hơn là tình trạng tụ tập đua xe gây ảnh hưởng đến giao thông chung... Tình trạng này, có thể lý giải dưới một số góc nhìn như sau:

Thứ nhất, nhiều bạn trẻ thiếu ý thức ứng xử tại các không gian công cộng. Không gian công cộng có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa truyền thống dùng để ám chí những địa điểm trên thực tế như công viên, nhà hát, quảng trường, góc phố. Nghĩa mở rộng là các không gian trên mạng internet, các diễn đàn, website mở, trang của các nhóm trên mạng xã hội…. Vì chính là không gian chung nên chúng không thuộc riêng một cá nhân nào, cá nhân không có quyền sở hữu, định hoạt hay vận hành chúng theo ý thích riêng mà mọi người phải cùng nhau sử dụng và bảo vệ.

Thứ hai, ý thức tôn trọng tài sản người khác trong một bộ phận thanh niên chưa cao. Vì nhiều lý do mà hiện nay ý thức bảo vệ tài sản chung, tài sản của người khác đang ở mức đáng báo động. Chúng ta không khó để thấy nhiều rác ở những góc phố, ở những khu du lịch, hay ý thức “cha chung không ai khóc” của nhiều người, tình trạng mất cắp vặt diễn ra ở các đô thị... Điều này một phần vì giáo dục, trong đó giáo dục ý thức công dân, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, môi trường để cá nhân thực hành những điều đã học được còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết.

Thứ ba, sự thiếu hiểu biết về những chuẩn mực giao tiếp tại đô thi. Một đặc điểm dễ thấy của cư dân đô thị Việt Nam là sự pha trộn về nguồn gốc của những người đang sinh sống, hàng ngày tương tác với nhau. Họ là cư dân tại chỗ của đô thị hoặc miền núi, đồng bằng cho đến biên cương… Do đó, chuẩn mực ứng xử cũng rất khác nhau, chưa có thời gian đủ dài để thích nghi.

Chiếc xe sau đó hư hại nặng.  Ảnh: Internet

Chưa nói đến một bộ phận không nhỏ không hiểu được những chuẩn mực chung của giao tiếp của cộng đồng dân cư đô thị như: ý thức về không gian công cộng, lịch thiệp trong giao tiếp, tôn trọng sự khác biệt và tôn trọng người khác. Nếu bạn bước lên một chiếc xe buýt và chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy rất rõ hiện tượng này,  những gọng nói to, ồn ào và có khi là thô lỗ; những cái nhìn soi mói, quấy rối; hay sự chen lấn và việc nhường ghế cho người yếu thế là điều xa xỉ…

Trở lại câu chuyện của các bạn trẻ tại nhạc hội, điều này không chỉ thể hiện thực tại ý thức mà còn cảnh báo dài hạn hơn về những đặc điểm mới của thanh niên Việt Nam.

Để ý thức tôn trọng không gian công cộng như là một thói quen thường nhật, cần lưu ý một số khía cạnh như việc giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng cần được chú trọng và thực tiễn hơn. Gia đình phải là nơi thanh thiếu niên thực hành thường xuyên những điều học được từ nền giáo dục; cách thức tổ chức xã hội, hay cụ thể hơn là việc tổ chức các hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng cần được thực hiện khoa học, chặt chẽ hơn để tranh những hành động bộc phát như sự kiện vừa nêu.

Có thể xử lý hình sự

Theo luật sư Trương Xuân Tám, Uỷ viên Hội Đồng Luật sư Toàn Quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc nhóm thanh niên dẫm đạp, gây hư hại chiếc xe có dấu hiệu phạm tội “Cố ý hủy hoại tài sản” được quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự.

Pháp luật quy định rõ, nếu tài sản bị hư hỏng có tổng giá trị tính ra tiền dưới 2 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính và bồi thường khoản tiền tương ứng với thiệt hại xảy ra.
Trường hợp tài sản bị hư hỏng từ 2 triệu đồng trở lên có thể truy cứu trách nhiệm hình, cụ thể:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
A) Có tổ chức; Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
C) Gây hậu quả nghiêm trọng;
D) Để che giấu tội phạm khác;
Đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
E) Tái phạm nguy hiểm;
G) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
Để xác định mức độ thiệt hại, cơ quan công an có quyền trưng cầu giám định tài sản của bên bị hại để làm căn cứ xử lý theo khung hình phạt đã quy định ở trên.
Tôi nghĩ với những hình ảnh trên mạng, và với nghiệp vụ của mình, công an sẽ tìm ra những ai đã làm hư hỏng tài sản nói trên.

NGUYỄN HIỀN ghi

Th.s TRẦN NAM  

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm