Sự vô giá và nỗi đau của biển

Không lo lắng sao được khi vị trí đổ thải sát bên nách, chỉ cách vùng đệm Khu bảo tồn biển tuyệt đẹp - Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển Việt Nam, có 500 m.

Giới hải dương học và bà con ngư dân còn lo lắng gấp bội khi vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận) - Cà Ná (Ninh Thuận) là một trong 18 vùng nước trồi ven bờ quan trọng và tốt nhất thế giới. Hiện tượng nước trồi ở vùng biển này được các nhà khoa học Pháp Chevey và Krempt ở Viện Hải dương học Đông Dương phát hiện và nghiên cứu từ những năm 1930. Các nghiên cứu khoa học cho thấy chính điểm đặc biệt đó quyết định chất lượng hải sản ngon bậc nhất của vùng biển tam giác Cà Ná - Phú Quý - Phan Thiết nằm ở rìa tây nam của tâm nước trồi mạnh.

Trong vùng nước trồi độc đáo này các nhà khoa học đã phát hiện có đến 295 loài thực vật và 415 loài động vật phù du; 111 loài tảo; 93 họ thuộc 18 bộ thành phần cá bột… Thậm chí muối ở vùng biển này cũng rất giàu dinh dưỡng. Vì theo nhiều nghiên cứu, cứ tháng 7 hằng năm sự xâm nhập của các muối dinh dưỡng từ lớp nước sâu rất mạnh tập trung ở đây…

Những giá trị đặc biệt ấy là tài sản vô cùng quý báu không chỉ đối với cư dân nơi đây mà còn của quốc gia, nhân loại, buộc chúng ta phải bảo vệ, giữ gìn. Chính giá trị đó không cho phép bất kỳ ai, tổ chức nào, nhân danh điều gì để tàn phá nó.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng chất thải của biển thì đổ về biển và với số lượng hơn 1,5 triệu m3 chỉ chiếm vài chục hecta trong đại dương rộng lớn thì sẽ chẳng ảnh hưởng gì. Không lẽ sự cố môi trường do Formosa gây ra cho vùng biển miền Trung, cho ngư dân miền Trung chưa đủ làm chúng ta thấy cay đắng đến quặn thắt sao?

Ngạn ngữ Pháp có câu rất hay: “Đại dương tuy rộng nhưng vẫn có bờ”. Hiểu một cách trực tiếp nhất, đại dương vẫn chỉ là hữu hạn nên việc nạo vét, đổ thải xuống biển phải được cân nhắc, tính toán rất khoa học. Bởi sự tác động trực tiếp của nó có thể dẫn đến những khả năng phá hủy khu bảo tồn biển tuyệt đẹp của Việt Nam - Hòn Cau và vùng nước trồi độc đáo mà phải hội đủ các kết quả tương tác của khí quyển - đại dương - đáy - bờ và các dòng chảy mới có thể tạo thành.

Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét đưa các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt của Chính phủ về môi trường như dự án Formosa (Hà Tĩnh)… Hy vọng rằng kiến nghị ấy sẽ được Chính phủ nghe thấy với đầy đủ chiều kích của nó. Bởi đó là kiến nghị của lòng dân với biển!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm