Theo ông Nguyễn Triều Lưu (Trưởng phòng Kiểm tra văn bản), BLHS hiện hành bắt buộc người đã chấp hành án xong, đủ các điều kiện theo quy định thì phải thực hiện thủ tục xin xóa án tích tại tòa mới được cấp phiếu lý lịch tư pháp có nội dung không có án tích. Trong khi đó, theo dự thảo BLHS (sửa đổi), chỉ cần người chấp hành án xong, đủ các điều kiện theo quy định, có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì sẽ được cấp phiếu mà không cần phải qua thủ tục xin xóa án tích tại tòa nữa (ngoại trừ một số tội danh cụ thể). “Đây là quy định mới, rất nhân đạo, tạo điều kiện cho người chấp hành án thuận lợi trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Tuy rằng như vậy sẽ khiến cho công tác xác minh lý lịch gặp khó khăn nhưng tôi đồng ý với quy định này” - ông Lưu nói.
Ông Nguyễn Hồ Phương Vinh (Phó Trưởng phòng Công chứng số 1) góp ý: Cả BLHS hiện hành cũng như dự thảo BLHS (sửa đổi) đều chưa quy định cụ thể về hành vi sửa chữa, tẩy xóa, sử dụng giấy tờ giả, mạo danh người khác trong giao dịch tại các phòng công chứng. Hiện nay các hành vi này đã xuất hiện khá nhiều với thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều vụ việc đã được công chứng viên phát hiện và báo cho cơ quan chức năng nhưng do thiếu chế tài nên việc xử lý chưa đảm bảo tính răn đe. Ý kiến của ông Vinh đã nhận được sự ủng hộ của đại diện các phòng công chứng khác trên địa bàn TP.HCM.
Một số đại biểu khác ủng hộ việc dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định về xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, cho rằng đây là đòi hỏi bức thiết bởi thực tế hiện nay hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân đang gây ra nhiều bất ổn cho xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Trưởng phòng Tổ chức), dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định hình phạt tiền là một trong những hình phạt chính ở tội đưa hối lộ là chưa phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, chỉ nên quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung trong điều luật này...