Nhưng trên thực tế VKSND Tối cao vẫn thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra với các vụ án do cơ quan điều tra VKSND Tối cao hay cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra. Sau đó, VKSND Tối cao sẽ ra cáo trạng truy tố rồi ủy quyền cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Sở dĩ có chuyện ủy quyền công tố này là do VKSND Tối cao có ban hành quy chế về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra, xét xử các vụ án hình sự. Theo quy chế, đối với những vụ án hình sự được thụ lý điều tra ở cấp trung ương, nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của tòa cấp tỉnh thì VKSND Tối cao ủy quyền cho VKS cấp tỉnh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của tòa cấp huyện thì VKSND Tối cao quyết định chuyển vụ án về VKS cấp huyện có thẩm quyền làm cáo trạng truy tố.
Thực tiễn xét xử cho thấy có rất nhiều trường hợp VKS cấp dưới bị động, phụ thuộc bởi cáo trạng truy tố của VKS cấp trên, dẫn đến vụ án bị tòa án địa phương trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần. Hoặc khi tòa mở phiên xử thì chất lượng tranh tụng, bảo vệ cáo trạng của kiểm sát viên giữ quyền công tố không đảm bảo. Nguyên nhân chính vẫn là do kiểm sát viên giữ quyền công tố không theo vụ án ngay từ đầu nên không nắm rõ, nắm sâu tình tiết của vụ án. Thậm chí có trường hợp kiểm sát viên giữ quyền công tố không có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, dẫn đến lúng túng, đuối lý khi tranh luận với người bào chữa.
Một hạn chế khác là nếu tại phiên tòa phát sinh tình tiết mới khác nội dung truy tố của VKS cấp trên thì kiểm sát viên giữ quyền công tố không có quyền quyết định, thường đề nghị tòa hoãn xử để về báo cáo với lãnh đạo đơn vị mình, từ đó báo cáo viện trưởng VKS cấp trên xem xét, quyết định. Điều này không phù hợp với nguyên tắc hiến định là nguyên tắc tranh tụng trong xét xử phải đảm bảo.
Điều 235 dự thảo BLTTHS (sửa đổi) lần đầu được công bố xin ý kiến Quốc hội có bổ sung quy định: VKS cấp trên đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra ủy quyền cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Khi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị bỏ quy định này vì không phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp. Đến nay, Điều 234 dự thảo mới nhất đã chỉnh lý như sau: Trường hợp xác định vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án cùng cấp thì sau khi nhận hồ sơ vụ án kèm theo bản kết luận điều tra, VKS đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án ra ngay quyết định chuyển vụ án cho VKS có thẩm quyền để quyết định việc truy tố.
Theo tôi, quy định như vậy là hợp lý, sẽ giải quyết được các bất cập của việc ủy quyền công tố hiện nay.