Sửa đổi Luật Đất đai: Cần có cơ chế kiểm soát, thống nhất về giá đất

(PLO)- Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, mọi vấn đề đều xoay quanh giá đất nên cần có cơ chế kiểm soát và thống nhất về giá đất, làm cơ sở đền bù, tái định cư...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở 26 tỉnh, TP phía bắc, diễn ra chiều 25-2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết dự thảo Luật thiết kế theo hướng thu thập, cập nhật dữ liệu giao dịch đất đai thường xuyên, trong điều kiện ổn định bình thường, tiến tới thiết lập xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, đa mục tiêu, lập "bản đồ" giá đất trên cả nước.

Theo ông, đây là cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, đền bù, bồi thường, tái định cư… "Trong khi chưa có đầy đủ dữ liệu đất đai, cần tiếp tục áp dụng các phương pháp xác định giá đất trong trường hợp đền bù hoặc có các hoạt động thương mại, chuyển mục đích sử dụng đất" - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hướng tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, đa mục tiêu, lập "bản đồ" giá đất trên cả nước. Ảnh: VGP

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hướng tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, đa mục tiêu, lập "bản đồ" giá đất trên cả nước. Ảnh: VGP

Dẫn ví dụ từ thực tiễn nhiều địa phương làm rất tốt công tác đền bù, tái định cư tại các dự án cao tốc Bắc-Nam, Phó Thủ tướng gợi mở hướng tiếp cận "Nhà nước có thể làm tốt hơn doanh nghiệp" nếu có cách làm, quy trình phù hợp nhất để người dân, thông qua MTTQ, cùng tham gia quá trình chuyển dịch đất đai với mục tiêu cuối cùng là có mức sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn.

"Mọi vấn đề xoay quanh giá đất, Nhà nước là đại diện sở hữu đất đai toàn dân nên cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả, thống nhất về giá đất, làm cơ sở đền bù, tái định cư, bảo đảm công bằng, điều chỉnh hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, giữa các vùng, miền, khu vực khác nhau" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phân tích.

Cũng theo Phó Thủ tướng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi trình Quốc hội và sau khi được ban hành, mục tiêu và kỳ vọng đặt ra là tháo gỡ ngay được các khó khăn, tạo ra những đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn. Dự thảo Luật Đất đai có nhiều chính sách quan trọng, tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước và người dân trong sở hữu, sử dụng đất đai.

Từ đó, làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong công tác quản lý đất đai, trên cơ sở đó thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: VGP

Đồng tình với các ý kiến đóng góp về xây dựng kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương, Phó Thủ tướng khẳng định cần làm tốt quy hoạch, phân bổ nguồn lực đất đai cho các lĩnh vực kinh tế, các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ, bảo đảm bền vững cho kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và môi trường, hài hoà lợi ích của các chủ thể…

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cần giải quyết mối quan hệ với các quy hoạch khác một cách linh hoạt, phân cấp mạnh mẽ, không chồng lấn; có thể phối hợp và tạo điều kiện để quản lý tốt hơn, kế thừa, bổ trợ lẫn nhau.

Ở cấp độ địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị phân định kế hoạch sử dụng đất đai giữa cấp tỉnh (năm năm) để định hướng không gian, cấp độ phát triển, còn kế hoạch sử dụng đất đai cấp huyện thực hiện hàng năm bao gồm chỉ tiêu đất đai và danh sách các dự án tiềm năng.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân đến 15-3. Tại kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội và được xem xét thông qua theo quy trình ba kỳ họp.

Nội dung đưa ra lấy ý kiến Nhân dân tập trung vào một số vấn đề như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh đó, nguyên tắc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; quy định về hộ gia đình sử dụng đất… cũng được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm