Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng” do Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 13-12 có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.
Sai một chữ doanh nghiệp cũng khổ
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, đánh giá cao những định hướng sửa bốn luật và nhiều nghị định của Bộ Xây dựng. Tuy vậy, ông lưu ý rằng luật chỉ cần sai một từ thôi cũng làm khó cho doanh nghiệp.
Ông Hiệp kể ông tình cờ nhìn thấy giấy phép xây dựng từ thời Pháp thuộc năm 1921, in rất đẹp. Nội dung của giấy phép chỉ quy định ranh giới đất, mặt tiền. “Còn bên trong thì ông muốn làm gì ông làm. Vì đây là đất nhà ông, miễn là không xâm phạm nhà khác. Chúng ta phải nghiên cứu xem cách họ làm”.
Còn ở ta, theo ông Hiệp, hiện nay chỉ riêng việc sửa cái toilet, chuyển toilet từ vị trí nọ sang vị trí kia cũng phải điều chỉnh giấy phép xây dựng. “Cái đó nằm trong đất nhà người ta, không vi phạm đến nhà khác, không vi phạm mặt tiền, mật độ xây dựng vẫn thế, không vi phạm chiều cao… thì làm sao phải xin điều chỉnh giấy phép?” - ông Hiệp đặt vấn đề.
Dẫn chứng thêm về một dự án của công ty mình đang thực hiện, ông Hiệp cho hay dự án có 42 nhà liền kề, trong đó có bốn nhà cao chín tầng. Nhưng nhà chín tầng thì phải lên Sở Xây dựng cấp phép, còn nhà thấp tầng thì quận cấp phép.
“Chúng tôi thực hiện đúng như quy định. Nhưng ông quận lại bảo chúng tôi phải lên Sở, ông Sở thì nói chúng tôi phải về quận. Loanh quanh mãi chúng tôi mất đúng ba tháng để hoàn thành thủ tục” - ông Hiệp cho hay và đề nghị Bộ Xây dựng nên quy định rõ thẩm quyền cấp phép.
Bình luận thêm về vấn đề này, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm nói lẽ ra người cấp giấy phép chỉ là kiểm tra lần cuối việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư công trình. Bởi không thể rà soát từng tí một vì còn liên quan đến trình độ chuyên môn.
Phải sống thế nào đây?
“Quảng cáo ngoài trời rất bế tắc do luật đất đai, xây dựng và quy hoạch quảng cáo. Nếu xét ra thì các công trình quảng cáo ngoài trời đều vi phạm pháp luật. Nhưng người ta phải làm, làm chui, kể cả bị xử phạt, thậm chí là tháo dỡ nhưng vẫn phải làm. Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… không có quy hoạch quảng cáo nhưng cứ bắt doanh nghiệp dừng quảng cáo. Người ta phải làm thế nào, sống thế nào đây?” - ông Trần Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, bức xúc.
Điều bất hợp lý nữa, theo ông Hùng là quảng cáo cứ bắt phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 30 m2 thì làm sao mà các tỉnh chuyển đổi được? Chưa hết muốn quảng cáo, ngành xây dựng nói phải có giấy phép của ngành văn hóa, ngành văn hóa thì bảo phải có giấy phép ngành xây dựng. Tắc nghẽn! Quả trứng có trước hay con gà có trước? Nhiều địa phương còn yêu cầu quảng cáo phải có xác nhận phòng cháy chữa cháy, có cầu thang thoát hiểm nữa.
“Hồ sơ xin cấp phép quảng cáo rất phức tạp. Luật Quảng cáo quy định tám loại giấy phép, Luật Xây dựng có năm loại nhưng lại chia nhỏ ra. Một hồ sơ quảng cáo phải có tới… 20 loại giấy phép. Do vậy đề nghị phải đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương những quy định mới” - ông Trần Hùng nói thẳng.
Sửa bốn luật Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi bốn luật gồm: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh giải thích trong đợt sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật lần này, Bộ đã đề xuất bỏ sáu ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Bộ Tư pháp góp ý giữ lại hai ngành nghề nên Bộ Xây dựng tiếp thu và đề xuất bỏ bốn ngành nghề. Còn về các điều kiện kinh doanh, Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 41,3%; đơn giản hóa 43,7% và chỉ đề xuất giữ nguyên 15% điều kiện kinh doanh hiện hành. |
Luật sai một ly, nhà thầu đi… tiền tỉ
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp khẳng định: Các nhà thầu phải đóng 30% bảo lãnh hợp đồng nên hiện nay 100% các nhà thầu bị nợ đọng xây dựng cơ bản. Đòi thì không đòi được vì tùy vào… chủ đầu tư. Còn đi kiện dân sự thì khó giải quyết được. Đây là vấn đề có tính chất lịch sử vì trước đây 20 năm, các công trình xây dựng cơ bản phần lớn là nhà nước đầu tư nhưng bây giờ tình hình đã khác.
“Nhiều đại gia hiện nay đều là nhà đầu tư tư nhân, không còn dính đến ngân sách nhà nước. Thế nên dẫn đến chuyện các nhà thầu đều bị nợ đọng mà không có một chế tài pháp luật nào giải quyết hiệu quả, nhanh chóng. Từ thực tế này chúng tôi kiến nghị sửa luật phải có quy định bảo lãnh đối với chủ đầu tư ít nhất là 30%. Vì cứ đến giai đoạn cuối của dự án là rủi ro rơi vào nhà thầu” - ông Hiệp đề xuất.
Không nói suông, ông Hiệp dẫn ra vụ việc Công ty Coteccon đang có tranh chấp với chủ đầu tư vịnh Nha Trang là Paronamo. “Phía chủ đầu tư đang nợ Conteccons 120 tỉ đồng. Thế thì ai xử lý chuyện này? Nếu đợi tòa dân sự thì phải vài năm nữa” - ông Hiệp ví dụ.
Còn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm thì đề cập tới giá trị pháp lý của hợp đồng để làm căn cứ giải quyết tranh chấp. “Hiện nay các doanh nghiệp Việt chỉ coi hợp đồng là bản thỏa thuận chứ chưa phải là văn bản pháp lý. Đấy là nhược điểm” - ông Liêm nhận xét.
Phải ngăn chặn nạn bôi trơn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm cho rằng vẫn cần giấy phép xây dựng nhưng cần phải thống nhất, thực chất và phải có kiểm tra, giám sát thực hiện giấy phép. Bởi vi phạm giấy phép xây dựng rất phổ biến, trong khi chỉ khi báo chí phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, còn họ không phát hiện ra. “Cấp dưới đã bị “bôi trơn” thì nó lên mấy tầng thì lên. Tôi nghe có nơi người ta ra giá mỗi tầng là 25.000 USD. Bởi thế có ông nghĩ vi phạm pháp luật, bị phạt còn rẻ hơn là đi bôi trơn. Pháp luật phải ngăn chặn chuyện như vậy” - ông Liêm nói. |