Bé trai bị chó cắn thương tích nặng khi đang ăn xúc xích

Đó là trường hợp của bé trai LND (17 tháng tuổi, ngụ Cái Bè, Tiền Giang).

Bé D. nhập cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM ngày 14-5 với vết thương phức tạp vùng mặt phải, nhiều đường rách, lộ tổ chức cơ mỡ, xương. Các bác sĩ đã sử dụng hết 7m chỉ để khâu vết thương cho bé.

Theo lời người nhà, tai nạn xảy ra khi bé D. đang ăn xúc xích thì bất ngờ bị con chó nhà hàng xóm (chưa chích ngừa) lao đến cắn vào mặt và đầu.

Bé được sơ cứu tại BV đa khoa Tiền Giang sau đó mới chuyển lên TP.HCM và được cấp cứu, lên lịch mổ trong đêm.

Bé LNGH bị thương nặng ở vùng mặt sau khi bị chó nhà hàng xóm cắn. Ảnh: HL

Trường hợp thứ 2 là bé ĐVQ (18 tháng tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) nhập viện ngày 16-5 trong tình trạng bị chó cắn vào mặt, vết thương dài 15 cm, sâu 1 cm.

Trước đó, bé được khâu vết thương tại cơ sở y tế nhưng bị bục chỉ, nhiễm trùng. Tại BV Nhi đồng 1, bé được chỉ định truyền kháng sinh, sau đó tiến hành cắt lọc, khâu vết thương.

Trường hợp thứ 3 là bé gái LNGH (19 tháng tuổi, ngụ Tây Ninh) nhập BV Nhi đồng 1 vào ngày 10-6. Theo lời kể của người nhà, khi con chó nhà nuôi đang ăn, bé H. đến gần thì bị cắn vào mặt khiến mất vùng da mặt má, lộ cơ mô mỡ bên trong. Đối với trường hợp này, các bác sĩ phải dùng hết hơn 5 m chỉ để khâu vết thương.

BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng-hàm-mặt BV Nhi đồng 1, cho biết trong vòng chưa đầy một tháng đã có ba trẻ nhỏ dưới hai tuổi bị chó cắn thương tâm buộc phải điều trị tại BV.

Trẻ thường bị chó cắn vào mặt do cùng ngang tầm độ cao. Các vết thương thường để lại sẹo xấu, sẹo co kéo, tổn thương các cơ quan vùng mặt, ảnh hưởng chức năng thẩm mỹ và tâm lý.

BS Đẩu khuyến cáo nhà có con nhỏ tốt nhất không nên nuôi chó. Nếu có nuôi phải nuôi trong khu vực an toàn, cách xa trẻ em vì trẻ chưa có phản ứng tự vệ, dễ xảy ra tai nạn thương tâm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm