TP.HCM xây dựng y tế thông minh - Bài 1

Chữa bệnh và làm đẹp chui dè chừng… “Y tế trực tuyến”

LTS: Ngành y tế TP.HCM đang triển khai đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để phục vụ hoạt động khám chữa bệnh cho người dân ngày một tốt hơn.

 Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu tới bạn đọc những hình ảnh sống động trong công tác chăm sóc sức khỏe, những nỗ lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo để điều trị bệnh, chống dịch COVID-19; ứng dụng công nghệ để ngăn ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh, làm đẹp… của ngành y tế TP.

Vào một ngày trong tháng 3 vừa qua, ứng dụng “Y tế trực tuyến” của Sở Y tế TP.HCM phát tín hiệu “tít tít…”. Sau đó, màn hình điện thoại hiện dòng chữ: “Nghi vấn cơ sở “Vin House Spa & Clinic” tại tòa nhà Vinhome Grand Park, phòng 319, lô S202, Nguyễn Xiển, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức hoạt động không phép. Đề nghị Sở Y tế TP.HCM kiểm tra”.

Chiến tích của ứng dụng “Y tế trực tuyến”

Không đầy 20 phút sau, Đội phản ứng nhanh do Thanh tra Sở Y tế TP.HCM làm “chủ xị” kích hoạt quy trình hoạt động. Đội này nhanh chóng phối hợp với Công an TP.HCM cùng chính quyền địa phương và quản lý tòa nhà Vinhome Grand Park kiểm tra đột xuất cơ sở nói trên.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận bên ngoài căn phòng 319 không treo biển hiệu. Tuy nhiên, bước vào trong, đoàn phát hiện khu vực lễ tân có đặt bảng “Vin House Spa & Clinic” và treo giá tiền chăm sóc da, phẫu thuật thẩm mỹ. 

Tiếp tục kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở có ba phòng chăm sóc da với sáu giường, kể cả trang bị một máy phun hơi nước và một máy laser. Tuy nhiên, cơ sở không xuất trình được hồ sơ nguồn gốc máy. Đoàn kiểm tra còn phát hiện các loại thuốc tê, chất làm đầy, chỉ khâu phẫu thuật, dao phẫu thuật… ngay tại cơ sở. Đoàn đã niêm phong và tạm giữ những bằng chứng nói trên.

Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở ngưng ngay việc thực hiện các kỹ thuật xâm lấn khi chưa xuất trình được hồ sơ pháp lý theo quy định. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục làm rõ các cá nhân đã thực hiện dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở nói trên và xử lý nghiêm sai phạm.

Cơ sở Vin House Spa & Clinic cung cấp dịch vụ làm đẹp không phép
bị người dân phát hiện và báo qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”.
(Ảnh do Sở Y tế TP.HCM cung cấp)

BS Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết trên đây là một trong những chiến tích mà ứng dụng Y tế trực tuyến mang lại thông qua nguồn tin cung cấp của người dân và sự ứng phó kịp thời của Đội phản ứng nhanh.

“Đầu tháng 3-2020, Sở Y tế TP ban hành “Quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế”. Công cụ sử dụng chính của quy trình này là ứng dụng Y tế trực tuyến được cài đặt trên điện thoại thông minh (iOS và Android)” - BS Cường nói.

Theo BS Cường, sau khi cài đặt ứng dụng Y tế trực tuyến, người dân dễ dàng gửi thông tin, hình ảnh, clip liên quan các hành vi sai phạm trong lĩnh vực y tế đến Sở Y tế TP.HCM. Sau khi tiếp nhận, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phân loại và chuyển thông tin đến bộ phận chức năng thuộc sở hoặc phòng y tế quận, huyện để xử lý. Kết quả xử lý cũng được công khai trên ứng dụng Y tế trực tuyến.

“Thời gian xử lý thông tin và công khai kết quả kể từ khi nhận phản ánh qua ứng dụng Y tế trực tuyến được chia làm ba cấp độ. Cấp độ 1 (thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện) không quá 24 giờ; cấp độ 2 (thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM) không quá 48 giờ; cấp độ 3 (thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM nhưng tính chất vụ việc phức tạp, cần sự phối hợp và hỗ trợ của các sở, ban, ngành khác và công an) không quá 72 giờ. Đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, Đội phản ứng nhanh mau chóng kích hoạt và có mặt tại cơ sở nhanh nhất để cùng phối hợp với cơ quan thẩm quyền xử lý” - BS Cường nói.

Tổ phản ứng nhanh ra tay

Qua thời gian giám sát, tổ phản ứng nhanh thuộc Phòng Y tế quận 10 đã phát hiện và nghi ngờ cơ sở “Nha khoa BH Beauty & Healthy” (426 Cao Thắng, phường 12, quận 10) hoạt động không phép.

Sau đó, Phòng Y tế quận 10 chủ động liên hệ Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất cơ sở nói trên.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động của toàn bộ phòng khám tại đây. Đoàn kiểm tra ghi nhận phía sau tầng trệt là phòng khám răng hàm mặt của BS Lâm Khánh Văn. Bác sĩ này mặc dù có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa răng hàm mặt nhưng không xuất trình được giấy phép hoạt động.

Tổ phản ứng nhanh của Phòng Y tế quận 10 phát hiện và kết hợp xử lý
cơ sở “Nha khoa BH Beauty & Healthy” không phép.
(Ảnh do Phòng Y tế quận 10 cung cấp)

Đoàn kiểm tra phát hiện tầng bốn có các dụng cụ y tế, máy ly tâm, ống tiêm, chất làm đầy (nhãn hiệu Mizain), thùng rác có găng tay, vỏ hộp thuốc, gạc dính máu. Cũng tại tầng bốn, đoàn còn phát hiện sáu phụ nữ cùng các tài liệu giảng dạy tiêm filler, botox, tiêm tan mỡ và khuôn mặt mô hình. Riêng tầng sáu, đoàn phát hiện một phòng phẫu thuật với đèn, tủ thuốc, dụng cụ y tế, lò hấp dụng cụ, máy hút đàm nhớt.

Đoàn kiểm tra niêm phong và tạm giữ trang thiết bị y tế, thuốc, dụng cụ phẫu thuật, đồng thời yêu cầu cơ sở ngưng ngay các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thẩm mỹ.

BS Nguyễn Văn Nguyên, Trưởng phòng Y tế quận 10, cho biết tổ phản ứng nhanh được thành lập nhằm triển khai “Quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế” do Sở Y tế TP.HCM ban hành.

“Tổ phản ứng nhanh quận 10 gói gọn sáu thành viên của phòng y tế và bốn thành viên của Trung tâm Y tế quận. Tuy nhiên, UBND quận 10 yêu cầu chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND 14 phường có trách nhiệm cùng công an địa phương phối hợp chặt chẽ với Phòng Y tế quận 10 xử lý các cơ sở y tế có hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn” - BS Nguyên cho biết thêm.•

 

“Y tế trực tuyến” phát huy tính chủ động phản ánh của người dân

TP.HCM hiện có 131 bệnh viện, hơn 200 phòng khám đa khoa, trên 6.000 phòng khám chuyên khoa và gần 7.000 nhà thuốc tư nhân. Điều này cho thấy công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám chữa bệnh để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật còn nhiều thách thức và khó khăn.

Nhiều năm qua, ngành y tế TP.HCM luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của các sở, ngành liên quan, UBND quận/huyện, Công an TP và công an địa phương trong công tác phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, hiệu quả quản lý hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ giảm tác dụng nếu như Sở Y tế TP.HCM chậm nắm bắt những thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khám chữa bệnh của các cá nhân và cơ sở. Chính vì vậy, ứng dụng Y tế trực tuyến ra đời nhằm phát huy tính tham gia chủ động của người dân trong việc phản ánh các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực y tế có biểu hiện vi phạm pháp luật đến Thanh tra Sở Y tế TP.HCM. Thời gian qua, ứng dụng Y tế trực tuyến đã tiếp nhận hàng trăm thông tin phản ánh của người dân và cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, “Quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế” của Sở Y tế TP.HCM cũng đã ra đời và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Từ quy trình phản ứng nhanh này, Đội phản ứng nhanh của Sở Y tế TP.HCM và tổ phản ứng nhanh quận, huyện lần lượt ra đời. Cho dù là đội hay tổ, sự phối hợp nhanh chóng và nhịp nhàng giữa các phòng chức năng của Sở Y tế TP.HCM và Công an TP, giữa Thanh tra Sở Y tế TP.HCM với phòng y tế quận/huyện, giữa phòng y tế quận/huyện với UBND phường/xã… mang tính quyết định.

BS NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm