Chuyên gia lý giải 3 vấn đề khi Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine COVID-19 ở trẻ em

Ngày 14-10, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688 về việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur. Theo đó, Bộ Y tế đồng ý mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia y tế cho rằng việc cho phép tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là điều cần làm và thực tế nhiều nước trên thế giới đã và đang làm như vậy. Tuy nhiên, các chuyên gia đều có chung quan điểm, với các địa phương chưa tiêm chủng hết cho nhóm người già (từ 50 tuổi trở lên, có bệnh lý nền) thì cần tiếp tục ưu tiên cho nhóm này trước khi tính đến việc tiêm chủng cho trẻ em trong bối cảnh nguồn vaccine khan hiếm.  

Loại vaccine được sử dụng cho trẻ em từ 12-17 tuổi là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vaccine được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vaccine. Ảnh minh họa: ĐÔNG TRÚC

1. Cần tiêm đủ cho người già rồi mới đến trẻ em

Liên quan đến vấn đề trên, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng việc tiêm chủng cho trẻ em là quan trọng, vì trẻ em cũng cần được bảo vệ tính mạng. Tuy nhiên, các địa phương cần tiêm chủng cho người lớn tuổi, có bệnh lý nền trước khi tiêm cho trẻ em trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Dũng, các nghiên cứu khoa học công bố trên thế giới cho thấy nguy cơ mắc COVID-19 và tử vong ở trẻ em thì thấp hơn nhiều so với người lớn. Ở Việt Nam, dẫn chứng trường hợp TP.HCM cho thấy người từ 65 tuổi trở lên cho khoảng 600.000 người. Số trẻ em từ 12-17 tuổi cũng ở mức tương tự. Trong đợt dịch vừa rồi ở TP, theo thống kê thì có khoảng 600 người trên 65 tuổi đã tử vong vì COVID-19. Trong khi đó, con số trẻ em từ 12-17 tuổi tử vong được ghi nhận là tám người. Như vậy, tỷ lệ tử vong ở trẻ em so với người lớn là rất nhỏ.

“Tôi nói vậy không có nghĩa là những đứa trẻ không may tử vong vì COVID-19 là không quan trọng. Mỗi sinh mạng của con người đều rất đáng quý, và mỗi đứa trẻ bị tử vong là một nỗi đau xót. Tôi khẳng định là tôi ủng hộ việc tiêm vaccine cho trẻ em, bởi vì trẻ em cũng rất cần được bảo vệ sức khỏe và tính mạng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung vaccine hiện nay ở Việt Nam thì tôi cho rằng các địa phương cần cân nhắc tính thời điểm để đảm bảo việc bảo vệ mạng sống người dân được hiệu quả tối ưu nhất” – ông Dũng nói.

Thứ nhất, hiện nay rất nhiều người trên 50 tuổi, thậm chí là trên 65 tuổi, có bệnh lý nền vẫn chưa được tiêm chủng do khan hiếm vaccine. Nhóm này, như đã phân tích ở trên, có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn rất nhiều so với trẻ em, vì vậy cần được ưu tiên dựa vào tinh thần nhân đạo. Nói nôm na, cùng một lượng vaccine giống nhau thì nếu tập trung cho nhóm yếu thế hơn sẽ cứu được rất nhiều người hơn. Khi vaccine đủ để phủ cho nhóm yếu thế rồi thì chúng ta tiếp tục tăng cường tiêm cho trẻ em.

Thứ hai, với trẻ em thì nguy cơ tử vong vì COVID-19 là rất thấp, hơn nữa các triệu chứng mắc COVID-19 kéo dài (long COVID) ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng sẽ sớm chấm dứt, trong khi ở người lớn, đặc biệt nhóm cao tuổi, có bệnh lý nền sẽ kéo dài hơn rất nhiều. Trái lại, ở khía cạnh tác dụng phụ thì nhóm người tuổi càng trẻ thì nguy cơ gặp biến chứng sau tiêm vaccine càng lớn. Ví dụ, với vaccine Moderna hay Pfizer thì theo các nghiên cứu, người trẻ tiêm có thể gặp tình trạng viêm cơ tim (dù tỷ lệ rất thấp), nhất là ở bé trai.

Cuối cùng, nếu chúng ta tiêm chủng đủ nhiều cho người lớn thì chúng ta có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng. Khi đó, nếu bệnh đã không còn lây lan, người lớn tuân thủ 5K, người lớn không nhiễm bệnh nữa thì trẻ em cũng không cần tiêm chủng.

2. Địa phương nào nên tiêm vaccine cho trẻ em?

Đồng tình với quan điểm của ông Dũng, PGS-TS. Nguyễn Phương Thảo (ĐH Quốc tế TP.HCM), cho rằng với công văn của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố dù đã được phép tiêm vaccine cho trẻ em nhưng cần lưu ý nhóm người cần ưu tiên vaccine là người cao tuổi, bệnh nền và các nhóm đối tượng khác theo quy định của Bộ Y Tế.

Tuy nhiên, bà Thảo cũng cho rằng việc ưu tiên phân phối vaccine cho trẻ em ở các địa phương như TP.HCM là rất cấp thiết vì nơi này vẫn còn mang nhiều mầm bệnh, hầu hết người cao tuổi, có bệnh lý nền đã và đang được tiêm chủng đầy đủ và TP đang dần mở cửa và trở lại cuộc sống bình thường nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Khi TP đang mở cửa, người lớn quay lại làm việc và trẻ em vẫn chưa được tiêm vaccine thì các em có khả năng bị lây nhiễm rất cao vì môi trường trong nhà là môi trường kín và khó tuân thủ quy tắc 5K, làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Vậy nên, dù không phải trong nhóm ưu tiên tiêm vaccine, nhưng ở trẻ em vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành nhóm đối tượng bị đe dọa bởi tình hình đại dịch bùng phát, đặc biệt là với biến thể Delta siêu lây nhiễm.

“Một báo cáo gần đây cho thấy, tác động của việc nhiễm COVID-19 ở trẻ em có thể nghiêm trọng hơn mọi người vẫn thường nghĩ. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), bao gồm tình trạng viêm nhiều bộ phận trong cơ thể, được chẩn đoán là có liên quan tới COVID-19. Trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống, bị sốt, đau bụng có thể kèm phát ban hoặc viêm cơ tim hay một số triệu chứng khác như bất thường liên quan đến đường tiêu hóa, sốc và giảm lym phô bào…” – bà Thảo cho biết.

Trẻ em ở Mỹ được tiêm vaccine Pfizer. Ảnh: Jeff Kowalsky/AFP - Getty Images

3. Các loại vaccine cho trẻ em an toàn đến đâu?

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á (Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam), tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất,…  đã cho phép tiêm vaccine cho trẻ em. Trong đó, có thể kể đến vaccine theo công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna) của Mỹ, vaccine bất hoạt (Sinopharm, Sinovac) của Trung Quốc, vaccine Soberana-2 của Cuba.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, vaccine với trẻ em là an toàn nhưng cũng có các nguy cơ về biến chứng. Ví dụ, các loại vaccine công nghệ mRNA có thể dẫn đến viêm cơ tim với tỷ lệ rất nhỏ, khoảng trên 10 phần triệu, nhưng nguy cơ sẽ cao hơn nếu tiêm 2 mũi, vì vậy ở một số nước như Anh thì các cơ quan y tế khuyến cáo chỉ nên tiêm 1 mũi. Dù chưa có nghiên cứu nào đầy đủ để so sánh mức độ an toàn giữa các loại vaccine với trẻ em, nhưng theo lý thuyết thì các loại vaccine cổ điển, tạo ra protein mang từ ngoài vào bên trong cơ thể để kích thích sinh ra kháng thể, thì sẽ không có nguy cơ sinh ra viêm cơ tim như các loại vaccine dùng công nghệ mRNA.

PGS-TS. Nguyễn Phương Thảo cũng cho rằng nhiều phụ huynh lo ngại nhất về vaccine sử dụng công nghệ mRNA đó là khả năng gây ra viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim cho trẻ, đặc biệt là ở các bé trai. Triệu chứng này xuất hiện sau khi tiêm mũi thứ 2 và thường bao gồm tình trạng đau ngực, nhịp tim nhanh, hụt hơi. Mỹ đã cảnh báo về sự cố này và đang tích cực xem xét trước khi cấp phép khẩn cấp cho vaccine Pfizer được sử dụng ở trẻ em từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, các rủi ro khi tiêm vaccine được nhận định là thấp và không đáng ngại nếu so với lợi ích của tiêm vaccine để giữ an toàn cho trẻ.

Bà Thảo cung cấp thêm thông tin với vaccine Sinopharm, nghiên cứu thực hiện tại Trung Quốc được công bố vào tháng 9-2021 với hơn 1.000 trẻ (hai giai đoạn) cho thấy vaccine này kích hoạt miễn dịch và không gây các phản ứng nghiêm trọng ở trẻ em từ 3-17 tuổi. Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Ả Rập cũng đã hoàn tất tuyển chọn 900 trẻ em ở độ tuổi nói trên để đánh giá hiệu quả của vaccine Sinopharm. Một số loại vaccine khác, bao gồm Johnson & Johnson và Novavax (Mỹ), cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm ở nhóm trẻ em từ 12-17 tuổi và sẽ sớm công bố kết quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm