Vui tết, bùng phát bệnh đường hô hấp

Trong và sau tết, trẻ em, người lớn tấp nập đi khám bệnh đường hô hấp. Nhiều người trước tết đã được bác sĩ cho uống thuốc mà sau tết bệnh vẫn không giảm, thậm chí lại tăng. Điều gì đang xảy ra, một dịch bệnh mới?

Vui tết, bùng phát bệnh đường hô hấp ảnh 1

PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan (giữa) đang hướng dẫn người dân cách rửa mũi bảo vệ đường hô hấp. Ảnh: DUY TÍNH

Chưa đến hẹn đã tái khám

Theo ghi nhận của chúng tôi, mới 8 giờ sáng 8-2, Phòng khám số 1 (khám hô hấp, BV ĐH Y Dược TP.HCM) đã có 30 bệnh nhân chờ khám. Trong số họ, nhiều người phải chuyển qua cấp cứu. Tại phòng Cấp cứu, khoa Nội hô hấp BV Nguyễn Trãi cũng có 20 bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính phải nằm thở máy.

Bệnh nhi NQT (10 tuổi, Bình Dương) đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (CHAC) với tình trạng nhiễm trùng nặng đường hô hấp trên, nước mũi xanh. Mặc dù các bác sĩ chỉ định đến tháng 3 mới tái khám nhưng vừa ăn tết xong, bé T. đã rơi vào tình trạng nặng.

Bệnh nặng vì nhiều tác nhân dồn dập

PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, cho biết lý do các bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp đi khám đông là do trước và trong tết họ “xả cửa” mà quên chỉ định của bác sĩ, đồng thời mùa tết thời tiết lạnh là điều kiện cho siêu vi gây bệnh phát triển.

Trước tết nguy hiểm nhất đối với bệnh nhân là người lớn bị hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính khi dọn dẹp nhà cửa, vừa gắng sức, vừa hít phải bụi nhà, trong đó có con mạt, màng nhện… là tác nhân gây nên cơn hen suyễn. Đó là chưa kể các tác nhân nấu bánh chưng, đốt củi.

Trong tết, họ hít phải nhang khói, uống rượu bia, hút thuốc lá, nước đá. Khi tết đến, con cái tụ về chúc tết họ mừng, xúc động… cũng lên cơn suyễn. “Đến sau tết là lên cơn, nhiễm trùng đường hô hấp như ho, khò khè, khó thở… nói chung là những thứ hằng ngày bác sĩ cấm bệnh nhân thì ngày tết họ xả ra hết” - PGS Lan nói.

Đối với trẻ em, do cha mẹ bận khách khứa nên trẻ không được chăm sóc tốt, bỏ bê thuốc men đã làm cho tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn. Cách đây ba năm có một em bé chết vì hít phải khói nhang. Ngoài ra, tết thì người ta chưng hoa có mùi thơm, nhiều hạt phấn cũng làm cho bệnh nhân lên cơn suyễn. Tất cả yếu tố nguy cơ đều có hằng ngày nhưng trong tết nó bùng lên và cường độ cao hơn.

Đối với người khỏe mạnh, sau tết tự nhiên nghẹt mũi, ho… là do nhiễm trùng đường hô hấp cũng bởi yếu tố đã kể trên.

Sốt, ho… là phải đi khám

Theo PGS Lan, sau tết người nào thấy tình trạng đường hô hấp xấu đi như sốt, khạc ra đàm xanh, chảy mũi… thì phải đi khám để bác sĩ cho trụ sinh phù hợp. Đối với người bị khò khè xuất phát từ phổi thì phải siêu âm cẩn thận.

PGS Lan khuyến cáo không nên tự đi mua kháng sinh, trụ sinh để uống vì bệnh nhân hen suyễn, dị ứng, nổi mề đay thì cơ địa mẫn cảm hơn so với người khác, rất dễ dị ứng thuốc. Một khi uống một loại thuốc bị dị ứng mà tiếp tục uống nữa thì sẽ bị sốc phản vệ, gây chết, kể cả thuốc kháng viêm thường gặp nhất Alaxan.

“Những người có cơ địa mẫn cảm thì nên uống thuốc từng loại, xem cơ địa thế nào thì 30 phút sau mới uống tiếp. Ngoài ra, phải đi khám vì bác sĩ cũng thường thay đổi, tăng giảm liều cho bệnh nhân uống phù hợp” - PGS Lan cho biết.

Ngoài ra, bảo vệ đường thở ngay cửa ngõ đầu tiên là rất quan trọng. Rửa mũi nhiều lần trong ngày, đúng cách với nước muối sinh lý hay nước biển sâu cũng là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Tiêu điểm

Gần 30.000 trẻ em đi khám, chữa bệnh dịp tết

Theo bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi đồng 2, cho biết thì từ ngày 30 đến mùng sáu tết, BV đã tiếp nhận hơn 12.000 lượt bệnh nhi đến khám, trong đó các bệnh đường hô hấp chiếm đông nhất. Tuy nhiên, số trẻ nhập viện do bệnh đường tiêu hóa lại nhiều hơn. TS-BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cũng cho biết trong sáu ngày tết, BV tiếp nhận hơn 17.500 trẻ đến khám, trong đó gần 500 em phải cấp cứu.

BV Nhi đồng 2 tiếp nhập đến 27 trẻ em bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, trong đó có đến 26 em không đội mũ bảo hiểm. BV Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận 21 trẻ bị tai nạn giao thông gãy tay chân, trầy xước…

Ngoài ra, một trường hợp bệnh nhi ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị té ngã nhưng do mắc bệnh máu không đông, máu chảy nhiều và tụ máu trong đầu đã chết trước khi đến BV Nhi đồng 2.

Theo các bác sĩ, hai loại bệnh xảy ra ở trẻ em là thủy đậu và tiêu hóa đang vào mùa.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm