Nhiều bệnh nhân ung thư trở nặng do thăm khám trễ

BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa ung bướu Bệnh viện (BV) TP Thủ Đức, cho biết Khoa ung bướu tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân đã điều trị ung thư ổn định đến tái khám trễ, đối diện di chứng nặng nề.

Khối u di căn nhiều cơ quan

Điển hình, Khoa ung bướu BV TP Thủ Đức đang theo dõi, điều trị cho bệnh nhân nữ (16 tuổi, ngụ Bình Dương). Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vòm họng tại Khoa ung bướu từ đầu năm 2021. Sau khi trải qua ba đợt hóa trị, bệnh nhân đáp ứng tốt, giảm đau, khối hạch cổ xẹp nhiều. Thế nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, do việc làm gặp khó khăn khiến kinh tế bị ảnh hưởng, bệnh nhân không đến BV để tiếp tục điều trị. Đến tháng 10, khi bệnh nhân quay lại thì kết quả kiểm tra cho thấy khối u đã phát triển, lan qua gan, xương làm cho bệnh nhân suy kiệt, đau nhức nhiều.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ (37 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM). Bệnh nhân bị ung thư vú đã điều trị ổn, tái khám định kỳ. Vào tháng 3-2021, bệnh nhân được tái khám, siêu âm kiểm tra thì thấy vết tổn thương trên da có kích thước 6 x 3 mm. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội kéo dài kèm tâm lý lo sợ do dịch COVID-19, đến tháng 11 bệnh nhân mới đến tái khám. Kết quả thăm khám cho thấy khối u tái phát và tăng lên đến 7 cm, gây khó khăn cho điều trị.

Tương tự, BS Phạm Thành Luân, Trung tâm ung bướu BV Quân y 175, cho biết trung tâm cũng tiếp nhận không ít ca bệnh chuyển sang giai đoạn nặng khi thăm khám trễ.

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân e dè đến BV điều trị như điều kiện kinh tế gặp khó khăn, lo ngại lây dịch bệnh, chưa tiêm đủ liều vaccine...

Hiện Trung tâm ung bướu BV Quân y 175 đang điều trị, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân nam (63 tuổi, ngụ An Giang) mắc ung thư thực quản chuyển sang giai đoạn cuối do tái khám trễ. Trước đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật, đến hẹn xạ trị vào hai tháng trước nhưng lo ngại dịch COVID-19 nên bệnh nhân chần chừ không đi. Mới đây, khi được đưa đến BV thì bệnh nhân đã nằm liệt một chỗ, kết quả thăm khám cho thấy bướu di căn vào cột sống, chèn ép tủy sống gây liệt hoàn toàn hai chân, tiên lượng rất nặng.

Ngoài ra, trung tâm cũng vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ (77 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) có dấu hiệu chảy máu, dịch, loét ở vùng vú. Bệnh nhân cho biết từ nửa năm trước đã phát hiện khối u nhưng lo sợ dịch COVID-19 nên không đi khám, mới đây bà mới đến BV kiểm tra thì vết loét đã lan rộng. Bệnh nhân được xác định mắc ung thư vú giai đoạn 4, cần phải nhập viện điều trị.

BS Phạm Thành Luân đang thăm khám cho bệnh nhân ung thư tại Trung tâm ung bướu BV Quân y 175. Ảnh: BSCC

Đến sớm ít đau đớn, tốn kém

Theo các bác sĩ, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư tân tiến, bệnh nhân ung thư nếu nhập viện và điều trị ở giai đoạn sớm có cơ hội chữa lành rất cao, ít tốn kém chi phí và đau đớn, đồng thời rút ngắn thời gian điều trị hơn so với giai đoạn muộn.

BS Nguyễn Triệu Vũ khuyến cáo trong tình hình dịch COVID-19, các bệnh nhân đang điều trị ung thư nên chích ngừa vaccine đầy đủ và tiêm mũi vaccine tăng cường để tăng hiệu quả bảo vệ, tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng khi chẳng may mắc COVID-19. “Những bệnh nhân đã điều trị ổn, đang trong thời gian theo dõi hoặc duy trì thuốc uống vẫn chích ngừa giống người bình thường, chỉ chống chỉ định với những người bị dị ứng với vaccine phòng COVID-19” - BS Vũ nói.

BS Phạm Thành Luân cho hay ngoài việc đến BV thăm khám trực tiếp, các bệnh nhân có thể liên lạc với các đường dây tư vấn từ xa do các BV tổ chức. Hiện BV Quân y 175 cũng đang triển khai tổng đài đa kênh 19001175. Đội ngũ trực tổng đài là các chuyên gia sẽ giúp tư vấn, hướng dẫn, giải đáp những khúc mắc của người dân như có cần thăm khám trực tiếp hay không, chuẩn bị thủ tục ra sao để thuận tiện, tiết kiệm thời gian... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm