Sáng 7-12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết Sở Y tế TP đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại trên địa bàn TP.
Đối với liều bổ sung, tiêm cho người 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng…) đã được tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên.
Người dân TP.HCM đang được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: TN
Đối với liều nhắc lại, tiêm cho người 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. Ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19; nhân viên y tế; lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Thời gian bắt đầu tiêm từ ngày 10-12 và dự kiến lộ trình thực hiện tùy theo nguồn cung ứng vaccine. Cụ thể: Tháng 12-2021, tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.
Từ tháng 1 đến tháng 12-2022, tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên. Tiếp tục tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Đảm bảo bao phủ liều nhắc lại cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn TP.HCM vào cuối năm 2022.
TP.HCM sẽ sử dụng loại vaccine COVID-19 đã được Bộ Y tế phê duyệt và cung cấp. Theo đó, nếu đã tiêm trước đó cùng 1 loại vaccine thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA (Pfizer hoặc Moderna).
Nếu các mũi tiêm trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu đã tiêm liều cơ bản hoặc liều bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine AstraZeneca.