Những người chịu ảnh hưởng lớn nhất trong đại dịch COVID-19 vẫn là những người nghèo khó trong xã hội.
Ở Hà Nội, mỗi người mỗi cách để góp sức mình nhằm hỗ trợ cho những người khốn khó: Ai cần đến lấy. Câu nói giản tiện trên đã có mặt ở nhiều địa điểm của Hà thành.
Muốn chứng kiến cảnh khổ của từng con người trong đại dịch, có thể đứng ở những điểm phát thực phẩm, hàng tiêu dùng này có thể thấy rõ.
Đó là người phụ nữ nhặt phế liệu ở Hà Nội, những ngày Hà Nội thực hiện cách ly xã hội, người phụ nữ đó dường như đứng giữa những bế tắc. Không thể về quê vì xe khách đã ngừng hoạt động, không thể làm công việc cũ đem lại thu nhập tằn tiện sống mỗi ngày, đôi bàn tay rám nắng ấy may mắn được cầm những túi hàng cứu trợ ở địa điểm cung cấp: “Nếu không có những thứ này, chắc tôi đói mất” - chị nói với chúng tôi.
Hoạt động thiện nguyện trong mùa dịch này diễn ra gần như ở tất cả tỉnh, thành trên cả nước. Hoạt động này càng sôi động hơn ở TP.HCM, nơi luôn có những con người hào sảng.
Các nhóm kêu gọi hay đứng ra để phân phối các món hàng hỗ trợ khó có thể kéo dài được hoạt động của mình nếu không có sự chung tay của cộng đồng.
Điểm phát gạo bằng máy tự động ở TP.HCM là minh chứng cho điều đó. Sỡ dĩ có thể gọi chiếc máy phát gạo tự động là những suối gạo, bởi lẽ gạo cứ thế tuôn chảy khi nhiều người chung tay góp vào. Nhiều người còn gọi đó là gạo Thạch Sanh, giống như chiếc bát cơm của Thạch Sanh trong truyện cổ tích, hết vơi lại đầy.
Chỉ có điều, chiếc máy phát gạo tự động đó không tự nhiên tạo ra điều thần kỳ như trong truyện cổ tích, điều đó được tạo ra bởi ùn ùn người dân Sài thành đã đưa gạo đến nạp liên tục vào chiếc máy ấy.
Câu chuyện chiếc máy phát gạo và tình người Sài Gòn cũng nhanh chóng được những người Hà Nội biết đến. Trên trang cá nhân của mình, chị An Xinh, thành viên của một nhóm hỗ trợ thực phẩm cho người dân mùa dịch, đã bày tỏ mong muốn có một chiếc máy như vậy ở Hà Nội.
Rất nhanh chóng, bản vẽ kỹ thuật và phối cảnh của chiếc máy này đã được đưa tới cho chị chỉ ngay trong ngày. Khi tấm lòng tìm được điểm chạm của yêu thương, từ ý tưởng cho đến hiện thực rất nhanh được đáp ứng và không có khoảng cách.
Khi quan sát về những nghĩa cử nhận-cho trong mùa dịch này, BS Vũ Công Nguyên, người đại diện nhóm khởi xướng kêu gọi hỗ trợ khẩu trang N95 và thiết bị y tế cho đội ngũ y, bác sĩ, đã thật sự xúc động.
Ông đúc kết rằng tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” dường như đã nằm trong gien của người Việt và nó sẵn sàng được phát lộ mỗi khi ai đó cần. Mà lúc này, cả xã hội đang cần những gien yêu thương, tương trợ được bộc lộ bằng hành động thiết thực.