‘Tác giả Luật Záo zụk’ nói về cải cách tiếng Việt

PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và phương pháp dạy-học phổ thông, vừa có những đề xuất cải cách chính tả tiếng Việt gây nhiều tranh cãi. PV báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện với ông xung quanh những vấn đề này.

“Phải cải tiến vì bất cập”

. Phóng viên: Khi thực hiện công trình này, ông có lường trước được phản ứng của dư luận đối với mình không?

+ PGS-TS Bùi Hiền: Không phải bây giờ mà từ khi có ý định nghiên cứu tôi cũng đã trao đổi với nhiều người. Có người tán thành, có người không. Có người nói nên làm về tổng thể, có người khuyên chọc vào làm gì “đám kiến” này, nó đang ổn định ông lại khơi ra làm gì.

. Vậy tại sao ông vẫn quyết định làm?

+ Tôi có nghe tất cả nhưng ý định tiếp tục của tôi thì không có gì thay đổi, bởi mục đích của tôi rất rõ ràng và minh bạch. Đơn giản vì tôi thấy chữ viết gây trở ngại cho việc học tập của các em, cho việc ghi nhớ của người lớn. Tại sao chúng ta cứ để mãi tình trạng đó. Phải cải tiến vì tiếng Việt hiện tại có một số bất cập!

PGS-TS Bùi Hiền, người đề xuất cải cách chính tả tiếng Việt gây nhiều tranh cãi. Ảnh: VIẾT THỊNH

Tôi là nhà nghiên cứu về ngôn ngữ nhưng chưa tin hẳn mình viết đúng chính tả. Chúng ta bây giờ cứ phải có không chỉ một mà hai cuốn từ điển để tra. Nếu cải tiến sẽ giúp cho công sức của chúng ta giảm đi nhiều, bản thảo rút ngắn. Ví dụ như bây giờ viết từ Nghỉ có tới bốn ký tự mới ra được một chữ. Bây giờ tôi cải tiến thành Qỉ thì chỉ có hai ký tự. Nếu dùng chữ mới của tôi thì có thể giảm được trên dưới 8% văn bản.

. Thực ra việc cải tiến tiếng Việt chỗ này chỗ khác, lúc này lúc khác đã từng được thực hiện với những mức độ đón nhận khác nhau nhưng nó không gây trúc trắc nhiều như đề xuất của ông. Liệu có cách nào để đỡ trúc trắc hơn không, thưa ông?

+ Đúng là rất nhiều người đã cải tiến nhưng cải tiến không hệ thống, gặp đâu sửa đó, ai thích thì theo, không thích thì thôi. Còn tôi làm có hệ thống. Toàn bộ hệ thống thì nó sẽ có trật tự chứ không phải manh mún. Sau này tôi hoàn thành cả nguyên âm thì lúc đó sẽ nhìn thấy toàn cảnh bức tranh chữ Việt. Lúc đó nếu thấy đơn giản, tương thích, dễ học thì tiếp nhận, còn không dùng thì… bỏ. Còn việc tôi nghiên cứu là để tham khảo chuyên môn chứ đưa ra công chúng lấy ý kiến thế này là chết tôi rồi.

Có người còn nói cải tiến như tôi đưa ra là đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng chữ viết và tiếng Việt khác nhau. Giữ sự trong sáng của tiếng Việt trước hết là nội dung, ý nghĩa… Về mặt ý nghĩa, tiếng là để giao tiếp trực tiếp, tiếng nói mà hỗn loạn thì giao tiếp bất hiệu quả. Còn chữ viết phải theo hệ thống khác, nó phản ánh tiếng nói chứ không phải là tiếng nói. Đừng gắn chữ với nghĩa, thay đổi chữ không phải là thay đổi nghĩa. Tôi chỉ thay đổi cách biểu đạt âm thanh thôi…

PGS-TS BÙI HIỀN 

“Họ chửi tôi hẳn hoi”

. Ông có lắng nghe hay đọc những phản biện, trong đó có những phản biện quá đà, rát mặt…?

+ Họ chửi tôi hẳn hoi chứ hơi quá đà gì! Nhưng đối với tôi những phản đối không có lý lẽ, thậm chí có tính chất thóa mạ tôi bỏ ngoài tai, vì cái đó không giúp gì cho tôi, không giúp ích gì cho xã hội cả.

Lúc nãy bạn cũng hỏi về một số câu cụ thể, bạn cũng trích dẫn những ý kiến mọi người nói, trong đó có cả cô giáo dạy ngôn ngữ trong trường nhưng tôi nói thật những cái đó phải trao đổi ở góc độ khoa học. Mà để trao đổi khoa học thì buổi này không nghĩa lý gì mà cần phải nhiều thời gian hơn. Còn các ý kiến có chuyên môn tôi có thể trả lời bằng văn bản hoặc tranh luận trực tiếp.

. Khi tiếp nhận bản so sánh của hai đoạn văn bản Luật Giáo dục và “Luật Záo zụk” mà ông ví dụ khi cải cách, bản thân tôi cũng thấy nó rất trúc trắc, khó hiểu. Ông có thể lý giải thêm về việc này?

+ Đó là do báo chí đưa lên. Mà đưa lên như vậy là thất thế cho tôi. Đưa ra một phương án không rõ ràng từ đầu đến cuối thì người ta hiểu nhầm. Công trình khoa học thì phải làm nhiều lần, nhiều nơi góp ý kiến mới công bố chính thức, việc công bố còn phải do Nhà nước thực hiện, nếu đăng thì chỉ đăng ở các tạp chí chuyên ngành, bởi đó là diễn đàn các nhà khoa học…

. Ông nói có người phê phán ông vì có sự nhầm lẫn, theo cá nhân ông thì dư luận đang có những nhầm lẫn gì?

+ Mỗi người nhầm một kiểu nhưng cái chung là họ chưa đọc hết, chưa nghiên cứu hết nội dung của nó. Cách đưa của báo chí cũng thất thố, đưa ngay kết quả bản đối chiếu chữ cũ, chữ mới khi người ta chưa cho họ lý do và quá trình thì đọc thấy vấp…

. Xin cám ơn ông.

Luật Giáo dục và Luật Záo zụk

PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy-học phổ thông, là người vừa có đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt. Theo đó, ví dụ từ giáo dụcthành záo zụktiếng Việt thành tiếq Việtngôn ngữ thành qôn qữ

Từ việc nêu ra bất cập của chữ quốc ngữ hiện hành, PGS-TS Bùi Hiền đề xuất chữ quốc ngữ cải tiến dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn sáu thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Theo ông, khi cải cách sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm