Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. Chủ vật nuôi phải bồi thường tổn thất về sức khỏe, tinh thần, vật chất do vật nuôi của mình gây ra cho người bị hại. Trường hợp chủ vật nuôi để chó thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn, chủ nuôi phải chịu mọi chi phí điều trị. Nếu có chết người, ngoài việc phải chịu chi phí trong thời gian điều trị, chủ nuôi còn phải có trách nhiệm vật chất trong việc tổ chức chôn cất cho người bị hại và các khoản chi liên quan do người chết để lại.
Tuy nhiên, hầu hết nạn nhân khi được hỏi đều cho biết họ phải tự trang trải tất cả chi phí điều trị vì không biết thưa kiện ai để đòi bồi thường thiệt hại. Hầu hết người bị nạn không biết luật pháp quy định những gì, hoặc biết cũng khó đòi bồi thường vì trong khi nạn nhân đau đớn thì con chó chạy mất, rất khó xác định chủ nuôi con chó gây tai nạn.
Ông Phạm Minh Trí, Trạm trưởng Trạm Phòng, chống dịch và kiểm dịch động vật Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết thống kê đến đầu tháng 4-2015 ghi nhận TP.HCM có hơn 130.300 hộ nuôi chó với số lượng gần 230.500 con. Tình trạng thả chó ngoài đường hiện vẫn phổ biến.
Trước tình trạng này, có lẽ biện pháp hữu hiệu nhất là tăng cường bắt chó thả rông và xử phạt chủ chó nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của họ.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, từ đầu năm 2015 đến ngày 9-8, Chi cục đã xử phạt vi phạm hành chính 40 trường hợp thả chó ra đường. Còn cả năm 2014 xử phạt trên 560 trường hợp, năm 2013 hơn 1.340 trường hợp và năm 2012 trên 1.630 trường hợp… Số xử lý vi phạm giảm dần qua từng năm cho thấy ý thức của người dân đã dần được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để chấm dứt tai nạn do chó chạy rông gây ra thì còn phải lâu dài.