Tái tạo vành tai dị dạng cho trẻ

Bước ra khỏi phòng khám khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi đồng 1, chị HNĐ (quận 11, TP.HCM) không nén được xúc động khi nhìn mái tóc đuôi gà ngoe nguẩy của đứa con gái bảy tuổi. Chị Đ. chia sẻ: “Đi khám, bác sĩ cho biết do trong lúc nằm trong bụng mẹ, tai cháu bị ép nên khi sinh ra cháu bị thiếu mất một phần tai trên. Lúc nào cháu cũng phải lấy tay che vì sợ bạn bè nhéo cái tai dị dạng của mình. Từ ngày phẫu thuật, tai cháu nghe rõ hơn trước rất nhiều. Cháu cũng tự tin và năng động hơn trước rất nhiều”.

Gia đình bé SN (tám tuổi, Đồng Nai) cũng không thể ngờ cái tai teo nhẻo, co rúm của con trai mình lại có thể đẹp lại như xưa và nghe tốt hơn rất nhiều sau đợt bỏng nước sôi nặng.

Bằng cách đưa sụn sườn lên làm vành tai, một phương pháp mới được triển khai tại BV Nhi đồng 1, từ tháng 5-2009, 15 trẻ có vành tai dị dạng đã được tái tạo vành tai và phục hồi chức năng với những tai vẫn còn tai trong.

Tái tạo vành tai dị dạng cho trẻ ảnh 1

Vành tai sau khi được tái tạo (ảnh trái). Tai trẻ chỉ có một núm nhỏ (ảnh phải). (Ảnh BV Nhi đồng 1 cung cấp)

Các bác sĩ đã tạo túi da ở vị trí vành tai, đưa sụn sườn tự thân lên vạt da tai bị khuyết rồi tạo hình và nâng vành tai. Phương pháp này có thể áp dụng cho trẻ có dị tật bẩm sinh ở tai gồm tai nhỏ hơn bình thường, thiếu một phần trên hoặc một phần dưới, chỉ có một núm như hình hạt đậu và thiếu hẳn tai. Hoặc trẻ bị dị dạng vành tai do bị phỏng, tai nạn giao thông...

Phụ huynh có con bị dị tật vành tai có thể đăng ký tại khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi đồng 1 để được sắp lịch mổ. Vì đây là một phương pháp mới mẻ, số phẫu thuật viên chưa nhiều trong khi số lượng trẻ đăng ký mổ khá đông nên số trẻ đăng ký từ giờ sẽ được mổ sau tháng 6-2010.

Theo TS-BS Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi đồng 1, lứa tuổi phù hợp nhất để tái tạo vành tai là trên sáu tuổi bởi đây là tuổi trẻ hòa nhập cộng đồng, biết mặc cảm, xấu hổ và tai trẻ phát triển bằng 80% tai người lớn. Trẻ còn phải đạt tiêu chuẩn trên 25 kg, vì đây là trọng lượng vừa đủ để trẻ có thể đủ sức chịu đựng một ca mổ dài, phức tạp. Ngoài ra, không kèm theo dị tật bẩm sinh nào khác như bệnh tim, suy thận... để tránh tử vong trong lúc mổ.

Tuy hầu hết các cuộc phẫu thuật đều thành công, phương pháp này cũng có thể xảy ra một số biến chứng: tràn khí màng phổi, xẹp phổi, tràn khí trung thất có thể dẫn đến tử vong, hoại tử túi da, viêm sụn...

Trong thời gian ba tháng sau lần mổ đầu tiên, phụ huynh phải giữ ẩm, che chở cho vành tai, tránh cho trẻ chơi thể thao hoặc làm việc nặng để vành tai bị tổn thương vì vành da rất mỏng. Ngoài ra, phải giữ vệ sinh tốt và dinh dưỡng thật đầy đủ để phần vành tai vừa được tái tạo phát triển bình thường và không bị viêm nhiễm. Nếu vành tai bị tổn thương, méo lệch thì khâu phục hồi sẽ rất khó khăn.

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm