Đối với tội gây rối trật tự công cộng, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 mới (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018) đã nâng mức phạt tiền cho hành vi này lên khá nặng so với quy định hiện hành, phạt đến 50 triệu đồng. Cụ thể: 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng. |
Lúc 1 giờ sáng 13-10, tại Km 403 quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, đội QLTT cơ động tỉnh Nghệ An phối hợp với CSGT trạm Diễn Châu, PC67, Công an huyện Quỳnh Lưu đã yêu cầu xe khách 51B-151.51 của nhà xe Anh Khuyên đang lưu thông hướng Hà Nội - Vinh dừng xe, xuất trình giấy tờ để kiểm tra hàng hóa.
Tuy nhiên lái xe không hợp tác, sau khi xuất trình giấy tờ vẫn đậu xe giữa làn đường và kiên quyết không rời khỏi vô lăng, không cho tổ công tác lên xe kiểm tra hàng hóa khiến quốc lộ 1A bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
CSGT phải bố trí lực lượng phân luồng đi chung một chiều suốt 4 giờ đồng hồ liền. Mặc dù tổ công tác thuyết phục lái xe đưa xe vào vệ đường và mở cửa cho tổ công tác kiểm tra nhưng lái xe thường xuyên di chuyển trong xe gọi điện thoại và chống đối không mở cửa, không lên ghế lái.
Trường hợp này, xét hành vi của tài xế đậu xe giữa làn đường và không rời khỏi vô lăng, chống đối quyết không mở cửa, không lên ghế lái, không cho tổ công tác CSGT lên xe kiểm tra hàng hóa, khiến quốc lộ 1A bị tắc nghẽn giao thông trong nhiều giờ đồng hồ; CSGT phải bố trí lực lượng phân luồng đi chung một chiều trong suốt nhiều đồng hồ... Đồng thời tuyến đường quốc lộ 1A được xem là tuyến đường giao thông huyết mạch, quan trọng của cả nước. Do đó những hành vi của tài xế có thể xem là có ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự 1999 nêu rõ: Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ…
Ngoài ra, Điều 245 BLHS 1999 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau:
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; có tổ chức; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng…
Như vậy, với các hành vi của tài xế xe khách trong trường hợp này (gây ách tắc giao thông nhiều giờ đồng hồ, cố thủ trên xe, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh, an toàn giao thông) có thể phạm vào tội gây rối trật tự công cộng như nêu trên.