Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch trong cuộc họp Bộ Chính trị, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Ảnh tư liệu
Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng diễn ra cuối tháng 12/1974 – đầu tháng 1/1975 đã thông qua bản Kế hoạch chiến lược hai năm (1975 – 1976). Kế hoạch này bao gồm hai bước, bước 1 (1975): tranh thủ yếu tố bất ngờ tiến công lớn và rộng khắp nhằm tạo thế và lực cho bước tiếp theo; Bước 2 (1976): thực hành tổng công kích, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Tuy nhiên, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam xuất hiện. Trung ương kết luận: Ta có khả năng giành thắng lợi lớn và nhanh hơn dự kiến ban đầu. Cũng vào thời điểm này, quân ủy Trung ương đã kiến nghị với Bộ Chính trị “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo do Quân đội Sài Gòn đang chiếm giữ”. Kiến nghị đó đã được chấp thuận và đưa vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25 tháng 3 năm 1975.
Như vậy, cùng với việc chuẩn bị khẩn trương cho trận quyết chiến cuối cùng để giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4/1975, nhiệm vụ giải phóng các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông cũng được đặt ra hết sức quan trọng như Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo…
"Khi có thời cơ, kịp thời giải phóng Trường Sa"
Ngày 4/4/1975, thay mặt Bộ Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ nguyên Giáp đã gửi một bức điện đặc biệt cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và bộ Tư lệnh Hải quân chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa cho các đơn vị này. Bức điện nêu rõ: “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho khu ủy, quân khu ủy, Bộ tư lệnh quân khu 5 và Bộ tư lệnh hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạh tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Đây là bức điện đầu tiên của Quân ủy trung ương và Bộ tổng tư lệnh chính thức truyền đạt Mệnh lệnh giải phóng các đảo ngay trong tháng 4-1975.
Trong buổi làm việc với tướng Lê Trọng Tấn tại cơ quan tổng hành dình trong thành Hà nội sau chiến thắng Đà Nẵng, đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã dành thời gian truyền đạt kỹ hơn tinh thần chỉ đạo của thường trực quân ủy và Bộ tổng tư lệnh về việc giải phóng các đảo trên vùng biển phía Nam, trong đó đặc biệt lưu ý việc giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Trong Mệnh lệnh giải phóng các đảo trên vùng biển phía Nam, Thường trực Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đặc biệt chú ý đến vấn đề thời cơ, nhất là đối với việc giải phóng quần đảo Trường Sa.
Lâu nay cũng có ý kiến cho rằng nếu việc giải phóng quần đảo Trường Sa được tiến hành sớm hơn, ngay sau thắng lợi của Chiến dịch Tây nguyên chẳng hạn, thì chắc là sẽ lấy lại được tất cả các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam tại quần đảo này.
Chúng ta đều biết quần đảo Trường Sa nằm cách đất liền hàng trăm km, tình hình vùng biển ở đây lại cực kỳ phức tạp; trong khi đó thì lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng đảo của ta mỏng, trang bị tàu thuyền, phương tiện đổ bộ của hải quân lạc hậu, cũ kỹ… Nếu ta tổ chức đánh và giải phóng Trường Sa sớm, khi thời cơ chưa thực sự chín muồi, Sài Gòn – sào huyệt của chính quyền và quân đội Việt Nam cộng hòa chưa bị “rung động” , tinh thần của binh lính Sài Gòn đang chiếm giữ các đảo chưa bị sứt mẻ, sa sút thì tổn thất đối với bộ đội sẽ rất lớn và khó mà hoàn thành được mục tiêu đặt ra. Ngược lại, nếu ta đánh chậm đi một chút thì hải quân một số nước đang hoạt động tại vùng biển Trường Sa sẽ nhân cơ hội “đục nước béo cò” nhảy vào đánh chiếm các đảo trước, đặt ta vào “việc đã rồi” như đã từng diễn ra trước đó.
Biên đội gồm ba tàu 673, 674, 675 chở quân ra giải phóng Trường Sa - Ảnh: Tuổi Trẻ chụp lại tư liệu Bảo tàng Hải quân
Thời cơ để giải phóng các đảo, trong đó có quần đảo Trường Sa phụ thuộc vào bước chân thần tốc của các cánh quân đang thẳng tiến hướng vào sào huyêt cuối cùng Sài Gòn. Thời cơ giải phóng quần đảo Trường Sa xuất hiện và thực sự chín muồi khi mà cả một dải đất miền Trung cùng với vùng biển đảo ven bờ đã được giải phóng, quân đội Sài Gòn như “ong vỡ tổ” phải co cụm về lo lập các tuyến phòng thủ ở Phan Rang và Xuân Lộc để bảo vệ cho Sài Gòn từ xa.
Ngày 9-4-1975, khi cuộc tiến công của chủ lực Miền vào phòng tuyến Xuân Lộc mở màn thì cũng là lúc Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân xuất quân giải phóng “H.1” (mật danh của đảo Song Tử Tây).
Ngày 10-4, một biên đội tàu vận tải của Đoàn 125 gồm các tàu 673, 674, 675 được lệnh tức tốc rời cảng Hải Phòng trực chỉ hướng Đà Nẵng. Tập kết ở Đà Nẵng, sau khi nhanh chóng hoàn tất công tác chuẩn bị (bổ sung nhiên liệu, vũ khí, tiếp nhận lực lượng đặc công nước của đoàn 126, bộ binh của Quân khu 5) mờ sáng ngày 11-4-1975, biên đội rời cảng Đà Nẵng thẳng hướng Trường Sa. Để bảo đám yếu tố bó mật, bất ngờ, các tàu đều được ngụy trang thành tàu đánh cá, thủy thủ đoàn mặc trang phục của ngư dân.
Xuất quân hai lần mới hoàn thành nhiệm vụ quan trọng
Lâu nay, khi đề cập đến chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa, một số sách báo thường có sự nhầm lẫn khi cho rằng với cuộc xuất quân ngày 11-4 nêu trên, lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa đã đánh chiếm và giải phóng được hầu hết các đảo. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng này đã phải xuất quân đến 2 lần (và đều xuất phát từ cảng Đà Nẵng) mới thực hiện được trọn vẹn nhiệm vụ theo kế hoạch.
Lần thứ 1: Xuất phát ngày 11-4-1975. Sau một ngày hành trình gặp sóng to, gió lớn, tàu 674 bị hỏng máy. Để khỏi bỏ lỡ thời cơ, ban chỉ huy hội ý và quyết định cho tàu 675 ở lại kèm tàu 674 khắc phục sự cố; đồng thời lệnh cho tàu 673 tách đội hình tiến về phía quần đảo Trường Sa. Vào lúc 4 giờ 15 ngày 13/4, tàu 673 tiếp cận đảo Song Tử Tây (chậm 1 tiếng so với dự kiến) nhưng do tiếp cận đảo quá cạn, trời lại gần sáng nên không kịp đổ bộ lên đảo. Tàu 673 phải lùi ra nép mình vào hai chiếc tàu buôn của nước ngoài đang neo đậu gần một hòn đảo do quân đội Philiippine chiếm giữ, chờ đến tối mới tổ chức đổ bộ lên đảo Song Tử Tây.
Đến 1 giờ sáng ngày 14/4, tàu 673 mới tiếp cận được đảo. 4 giờ 30 tiến hành đổ bộ lên đảo. Lúc này tàu 674 và 675 sau khi khắc phục xong sự cố cũng vừa tới nơi, triển khai đội hình bảo vệ và hỗ trợ cho lực lượng đổ bộ lên đảo. 5 giờ sáng, các lực lượng đổ bộ làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Đây cũng là hòn đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa được giải phóng.
Sau khi làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây, biên đội tàu đưa đội hình cơ động tiếp tục giải phóng đảo Sơn Ca. Tuy nhiên, lúc này trên vùng trời, vùng biển Trường Sa bắt đầu xuất hiện nhiều máy bay và tàu lạ. Trước tình huống đó, Bộ tư lệnh hải quân đã chỉ thị cho bộ phận ở lại chốt giữ Song Tử Tây, lực lượng còn lại áp tải số tù binh (khoảng 40 người) đưa về Đà Nẵng. Trong trận đánh này, hai chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có một người hy sinh tại chỗ và một người bị thương sau đó hy sinh trên đường về Đà Nẵng.
Mất Song Tử Tây, đồng nghĩa với việc hệ thống phòng thủ của quần đảo Trường Sa bị de dọa nghiêm trọng. Vì vậy, mặc dù trong tình thế phải tập trung lực lượng cho nhiệm vụ phòng thủ chiến lược và bảo vệ các căn cứ hải quân ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ tư lệnh hải quân Sài Gòn vẫn phải cấp tốc điều hai tàu chiến từ căn cứ ở Vũng Tàu ra tổ chức phản kích lấy lại Song Tử Tây. Tuy nhiên, bầu không khí hỗn loạn đã tràn sang cả lực lượng hải quân VNCH, cả hai tàu đều không dám tổ chức phản kích mà đành phải co về tăng cường phòng thử cho Sở chỉ huy trung tâm của quần đảo Trường Sa ở Nam Yết.
Ngày 21/4, phòng tuyến Xuân Lộc bị các lực lượng quân giải phóng chọc thủ. Lúc này tình trạng rã đám xuất hiện tại nhiều đơn vị quân đội Sài Gòn. Thời cơ lớn để giải phóng các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa đã đến.
Bộ Tổng tư lệnh lệnh cho Tiền phương Bộ tư lệnh hải quân ngay lập tức mở cuộc tiến công lần thứ 2 tiếp tục giải phóng các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa. Biên đội tàu của Đoàn 125 đi lần này gồm các tàu 673, 675 và 641 chở Đội 1 của Đoàn 126 đặc công và Tiểu đoàn 471 của QK5 xuất kích từ cảng Đà Nẵng đêm 21/4. Sau 3 ngày vượt sóng và đối phó với các tình huống xuất hiện bất ngờ trong quá trình tiếp cận mục tiêu, đêm 24/4, tàu 673 định đổ bộ lên đánh chiếm đảo Nam Yết nhưng bất thành do gặp tàu khu trục của đối phương đi tuần. Tàu 673 buộc phải đưa lực lượng lui về đảo Song Tử Tây chờ thời cơ. Cùng thời điểm đó, tàu 641 bí mật cơ động về hướng đảo Sơn Ca. Sáng 25/4, các lực lượng đã đổ bộ thành công lên đảo. Mặc dù lực lượng chốt giữ trên đảo chống cự quyết liệt nhưng chỉ sau 2 giờ chiến đấu, bộ đội ta đã giải phóng hoàn toàn và làm chủ hòn đảo này.
Mất hai vị trí quan trọng là đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca, Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH cho một số tàu tuần dương và khu trục tăng cường quần thảo quanh các đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, nhưng trong tình cảnh rối loạn, binh lính hoang mang rệu rã sau những tin tức xấu từ đất liền liên tục được cập nhật nên không dám tổ chức phản kích.
Sáng 26/4, qua mạng vô tuyến điện, ta phát hiện Hải quân VNCH quyết định rút bỏ đảo Nam Yết, đưa toàn bộ lực lượng về co cụm ở đảo Trường Sa. Không bỏ lỡ cơ hội, Sở chỉ huy tiền phương của Hải quân lập tức lệnh cho tàu 673 nhanh chóng đưa lu75cl ượng đổ bộ đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn đảo Nam yết vào sáng 27/4. Cùng thời gian này, binh lính ở đảo Sinh tồn quá hoảng sợ, bắt đầu tháo chạy. Trưa 28/4, bộ đội ta đổ bộ làm chủ đảo Sinh Tồn.
Tàu 673 tiếp tục đưa lực lượng thọc sâu xuống đảo Trường Sa – một trong những hòn đảo xa và quan trọng nhất của quần đảo Trường Sa. 9 giờ ngày 29/4, các lực lượng đổ bộ đã làm chủ hoàn toàn hòn đảo này.
Việc nắm bắt thời cơ chính xác và quyết định tổ chức lực lượng giải phóng các đảo, đặc biệt là một số đảo ở xa bờ và có tầm quan trọng đặc biệt như quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 cho thấy chủ trương và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thường trực quân ủy là rất kịp thời và sáng suốt. Điều này thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược biển, đảo và ý thức về chủ quyền đối với vùng biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa kết thúc, ngày 30/4/1975, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy tiếp tục chỉ thị cho Bộ Tư lệnh và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn – Gia Định lưu ý việc giải phóng và đưa số tù nhân từ các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc trở về đất liền. Một ngày sau đó, bộ đội hải quân được lệnh ra giải phóng Côn Đảo. Tuy nhiên khi lực lượng này còn đang trên đường ra đảo thì các chi bộ Đảng ở nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo tù nhân, mà nồng cốt là số tù chính trị nổi dậy phá nhà lao tự giải phóng đảo. Thay vì ra giải phóng đảo, biên đội tàu của Trung đoàn 125 đã đưa các tù nhân từ Côn Đảo trở về đất liền an toàn và kịp thời. Sáng 4-5-1975, Lễ chào cờ được tổ chức ngay sau khi bộ đội đổ bộ lên Côn Đảo. Ảnh do nhà báo Đoàn Tử Diễn chụp. Đối với đảo Phú Quốc – hòn đảo có vị trí chiến lược cũng không kém phần quan trọng trên vùng biển Tây Nam Bộ của tổ quốc, quá trình giải phóng cũng diễn ra tương tự. Sáng ngày 30/4, hơn 8000 quần chúng nhân dân cùng với một số tù nhân tự phá khám đã nổi dậy chiếm các mục tiêu quan trọng trên đảo và đến chiều tối cùng ngày thì làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quốc. Trên vùng biển Tây Nam cón có một số đảo được giải phóng muộn hơn một chút. Đảo Thổ Chu được giải [phóng vào đêm 23, rạng 24/5/1975 và đảo Puolo Wai (gồm Hòn Ông và Hòn Bà) được giải phóng vào ngày 27/5/1975. Cả hai hòn đảo này đều được giải phóng từ tay của quân Pôn Pốt. Trước đó, ngày 27/4/1975, Hải đoàn 385 cùng lực lượng vũ trang huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cũng đã phối hợp giải phóng hoàn toàn đảo Cù Lao Thu. Các hoàn đảo gần bờ trên vùng biển phía Nam đều được lực lượng vũ trang phối hợp lực lượng tại chỗ giải phóng và làm chủ ngay trong quá trình giải phóng quần đảo Trường Sa. |