Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh với báo giới chiều 30-12 khi nói về dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, nhiều người nghi ngờ dự án thép Cà Ná có lợi ích nhóm. Bộ Công Thương khẳng định lại một lần nữa không có chuyện đó. Việc Bộ đưa dự án vào quy hoạch là phù hợp với thực tiễn, cơ sở pháp lý.
Quy hoạch thép nói chung cũng như chủ trương phát triển làm dự án thép Cà Ná được xem xét một cách đầy đủ khách quan và toàn diện.
“Một đất nước trên 100 triệu dân, đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp, phụ thuộc nhiều vào sản phẩm thép; nếu không làm dự án thép sẽ gây mất cân đối nguồn cung cầu nghiêm trọng. Một nước có lợi thế về phát triển công nghiệp thép, từ nguồn tài nguyên cho đến lợi thế giao thông, hạ tầng, có cơ hội để tiếp cận công nghệ hiện đại phù hợp với yếu tố môi trường. Tôi cho rằng sẽ bất hợp lý nếu không tính tới phát triển thép” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 30-12.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng Bộ Công Thương không bảo thủ mà luôn có quan điểm tiếp cận cầu thị, cởi mở, không né tránh. Việc bổ sung dự án thép Cà Ná là thay thế cho một dự án cũ đã bị rút giấy phép đầu tư vì không đáp ứng được điều kiện thực hiện.
Hiện dự án mới chỉ dừng ở mức xem xét chủ trương đầu tư để nhà đầu tư nghiên cứu. Quá trình thẩm định để đi đến làm dự án là rất dài, qua nhiều bước thẩm định của các bộ ngành. Bộ cũng sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chính thức các nhà phản biện, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân…
“Dự án thép Cà Ná hiện dừng ở quy hoạch nên chưa thể nói bất kỳ gì chi tiết, mọi nhận xét, đánh giá chỉ mang tính võ đoán. Dự án đó oan nghiệt hay có hiệu quả sẽ có câu trả lời về sau” - Bộ trưởng nêu quan điểm.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết một ĐBQH đã từng chất vấn ông về trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố liên quan đến dự án. Bộ trưởng khẳng định không sợ trách nhiệm và sẵn sàng đối mặt với trách nhiệm. “Tôi chỉ mong mọi người hãy hiểu đúng dự án.
Chúng ta nói về quy hoạch thép chứ không phải nói về dự án thép đã được triển khai. Nếu để xảy ra hệ lụy từ dự án như thép Cà Ná thì việc từ chức cũng quá nhỏ bé đối với những thiệt hại gây ra cho nhân dân, xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta và cả cá nhân Bộ trưởng là bằng ý thức trách nhiệm không để xảy ra hệ lụy nào với dự án đó” - ông Tuấn Anh nói.
Cuối cùng, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh nếu không làm thép Cà Ná, kéo theo các dự án khác như thép Dung Quất hay các dự án nhiệt điện cũng không thực hiện được. “Nếu chúng ta sợ hệ lụy thì sẽ không làm được gì cả. Một đất nước chỉ phát triển bằng hạt muối Cà Ná, hạt thóc Nam Bộ thôi cũng có nghĩa ta tự đánh mất cơ hội phát triển công nghiệp. Trước khi là Bộ trưởng tôi là một công dân, một đảng viên và tôi thực hiện theo sự phân công của Đảng. Tôi không e ngại chuyện từ chức nếu để xảy ra bất cứ hệ lụy nào từ dự án” - tư lệnh ngành công thương nhất quán.