Nhìn lại những năm tháng đã qua, Bộ trưởng cho rằng mình có những đóng góp mang dấu ấn cá nhân, đó là lễ hội được chấn chỉnh, chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ được cải thiện… Phát biểu của người đứng đầu Bộ không thấy nặng nề, khô khan những lời chỉ đạo, ông bộc bạch nhiều hơn những lời như muốn nhắn nhủ những người ở lại, những người mà ông gửi gắm nhiều kỳ vọng cho những điều dang dở.
Đứng trên bục phát biểu, Bộ trưởng cho biết ông không muốn rời vị trí này vì vẫn còn nhiều điều muốn được giãi bày. Ông không ngớt lời ngợi ca những điểm sáng của lĩnh vực đã đạt được trong suốt thời gian vừa qua, đề cao giá trị của văn hóa trong đời sống xã hội. “Một đất nước lúc nào cũng nói đến GDP mà không nói đến giá trị văn hóa thì cực kỳ gay go. Nhiệm vụ của chúng ta là phải nâng cao các giá trị văn hóa. Dù chúng ta đọc bao nhiêu sách đi chăng nữa, học bao nhiêu đi chăng nữa cái còn thiếu là văn hóa. Đạo đức bị xuống cấp thì dân tộc đó không còn sức sống nữa” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ VH-TT&DL cũng nói rằng phải bớt đi những lời chỉ đạo sáo rỗng, chung chung như tiến lên, phấn đấu, nâng cao, quyết tâm… Ông cho rằng những ngôn từ ấy cần phải giảm xuống và phải đi vào thực chất, vào chiều sâu.
Nếu đề cập đến dấu ấn cá nhân thì Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh rõ ràng là một người đã tạo ra được dấu ấn của riêng mình bằng những phát biểu thẳng thắn của ông trên nghị trường Quốc hội, những phát biểu mà ông tự thừa nhận là giúp các đại biểu… thư giãn. Không ai phủ nhận những gì mà người đang ở tuổi “hoàng hôn nhiệm kỳ” nói ra cũng phản ánh một thực tế đang tồn tại nhưng ít ai dám đề cập tới.
Thời điểm nhiệm kỳ vẫn chưa đến lúc “hoàng hôn”, Bộ trưởng cho hay đã từng rất trăn trở với những vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội, nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, bạo lực gia đình… Để khắc phục thực tế này, ông đã giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra sân khấu những vở kịch bàn về những vấn đề đó để chấn chỉnh xã hội. Thế nhưng nếu đem trưng cầu ý kiến người dân rằng đã được xem qua những vở kịch này chưa thì con số chắc là ít. Một vở kịch khi chưa đến được với người dân, dù tính thông điệp của nó cao đến đâu thì sự tác động cũng là con số không.
10 năm trên cương vị là bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Bộ trưởng tỏ ra hoan hỉ với những điểm sáng về thành tích, về những việc cá nhân đã làm được, bức tranh ông vẽ ra toàn một màu sáng mà tuyệt không có một khuyết điểm cá nhân, không có một tồn tại của ngành nào được chỉ ra. Điều ấy khiến cho người nghe chỉ biết tin vào một trong hai điều: Hoặc là trong nhiệm kỳ của mình ngành do ông phụ trách hoàn toàn sạch bóng những tồn tại, hai là những thành tích ấy vẫn là những lời sáo rỗng một chiều của người phát biểu. Đem đối chiếu với thực tế, thật khó để thuyết phục người dân tin ở điều thứ nhất.