Tân Chủ tịch nói 'rất xấu hổ vì để Eximbank đến cảnh này'

Sau 2 lần trì hoãn, đến lần thứ 3 mặc dù tỉ lệ tham dự đủ để tiến hành, tuy nhiên vì tranh cãi gay gắt và không có được tiếng nói chung, đại hội một lần nữa bất thành, nói chính xác hơn là bị dừng khi đang diễn ra.

Ngay khi bắt đầu đại hội, cổ đông đã “nóng” về chuyện tư cách ban chủ toạ, trong đó tân Chủ tịch Cao Xuân Ninh đang là chủ trì.

Cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) gay gắt bày tỏ quan điểm không chấp nhận và cho biết trước đó có gửi văn bản lên Eximbank, đề nghị ông Đặng Anh Mai – Phó Chủ tịch HĐQT xem xét lại chỗ ông Cao Xuân Ninh với tư cách chủ toạ.

Một cổ đông nhỏ nhưng đã tham gia mua cổ phần hàng chục năm tại Eximbank cũng cho rằng nên đoàn kết lại, để giải quyết những mâu thuẫn, cùng hướng đến xây dựng Eximbank thành công hơn. "Đại hội náo loạn như thế này là do chưa thống nhất và không thoả mãn về ban chủ toạ, nên một cổ đông lại ý kiến nên quyết lại ban chủ toạ trước khi tiếp tục cuộc họp".

Đối đáp cổ đông, theo ông Mai, Nghị quyết 231 được ban hành trước khi nhận được quyết định 159 của Tòa án nên Nghị quyết này là trái pháp luật. Việc ông Quốc ký Nghị quyết 231 là trái thẩm quyền và vi phạm pháp luật.

Ông Mai cho rằng Nghị quyết 231 ban hành khi chưa được tất cả người dự họp thông qua và chưa hề biết về biên bản này mặc dù có yêu cầu trình biên bản. Nghị quyết 231 trước khi có được quyết định của Toà, do đó biệc ông Lê Minh Quốc ký Nghị quyết 231 là trái quy định của pháp luật và của Eximbank.

Tân Chủ tịch nói 'rất xấu hổ vì để Eximbank đến cảnh này' ảnh 1

Sau một hồi tranh cãi gay gắt, chính thức lên tiếng, ông Cao Xuân Ninh khẳng định những gì mà ông Mai đưa ra nãy giờ là đúng với quy định pháp luật. Trong cuộc họp hôm trước khi diễn ra đại hội sáng nay (ngày 21-6) đã có tám thành viên tham gia, bao gồm hai người từ SMBC (một người tham dự trực tiếp một người gián tiếp), cuộc họp cũng đã thống nhất Nghị quyết 231 được thông qua một cách nhất quán.

Với lý lẽ trên, ông Ninh cho rằng tư cách Chủ tịch HĐQT và chủ tọa đại hội hôm nay của mình là hợp pháp, hợp lệ. Đồng thời, tân Chủ tịch cũng phân trần rất xấu hổ vì thời gian qua đã để Eximbank đi đến cảnh này, và cũng rất đau xót khi Eximbank từ một ngân hàng Top3 đến nay đã đi lùi.

Được biết, Nghị quyết 231 do ông Lê Minh Quốc ký hủy bỏ Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú - Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank vào ghế Chủ tịch. Đồng thời, đơn đề nghị đình chỉ thực hiện nghị quyết được ban hành trên cơ sở cuộc họp Hội đồng quản trị không hợp lệ ngày 20-5 bao gồm Nghị quyết 238 bầu ông Cao Xuân Ninh vào chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank thay cho ông Lê Minh Quốc; Nghị quyết 239 thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó Tổng giám đốc thường trực giữ chức danh quyền Tổng giám đốc Eximbank; Nghị quyết 242 về việc hoãn đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 lần thứ 2 tổ chức ngày 26-5.

Ngay đêm 20-6, lãnh đạo Eximbank phát đi thông báo về việc TAND quận 1, TP HCM ra quyết định đình chỉ giải quyết về việc "Yêu cầu đình chỉ thực hiện Nghị quyết của Hội đồng quản trị" của Công ty cổ phần Rồng Ngọc.

Theo đó, Eximbank khẳng định tất cả các Nghị quyết về việc bổ nhiệm ông Cao Xuân Ninh giữ chức danh Chủ tịch Eximbank thay ông Lê Minh Quốc và ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó Tổng giám đốc thường trực giữ chức danh Quyền Tổng giám đốc Eximbank, ban hành ngày 22-5-2019 đều đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ và nhất quán theo quy định của điều lệ ngân hàng và pháp luật.

Mặc dù văn bản được xác định là hợp pháp bởi cơ quan chức năng, tuy nhiên có vẻ ông Ninh vẫn chưa thực sự thoả mãn được các cổ đông, thậm chí có hiện tượng “náo loạn” tại đại hội ngày 21-6 khi mỗi bên vẫn nêu quan điểm mặc cho sự phản đối gay gắt từ các bên còn lại cũng như nhóm cổ đông nhỏ lẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm