TAND Tối cao giải đáp vướng mắc về hòa giải, đối thoại tại tòa án

(PLO)- TAND Tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến nhiều vướng mắc về hòa giải đối thoại tại tòa án.

TAND Tối cao vừa ban hành Công văn số 196/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử, trong đó giải đáp nhiều vấn đề về hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Theo đó, tòa án địa phương đặt vấn đề rằng khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành mà các bên không yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì kết quả này có giá trị cưỡng chế thi hành không? Trường hợp này, tòa án cần xử lý như thế nào?

Trả lời, TAND Tối cao cho rằng tòa án xem xét công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành khi có yêu cầu của các bên. Trường hợp các bên không yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì kết quả hòa giải thành, đối thoại thành không có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.

Do vậy, tại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên cần giải thích cho các bên về giá trị của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành để các bên cân nhắc về việc yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Một thắc mắc khác được đặt ra là thẩm phán có được ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn chuẩn bị ra quyết định (15 ngày kể từ ngày tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo), hay phải chờ hết thời hạn này thì thẩm phán mới được quyền ra quyết định?

Theo TAND Tối cao, khoản 3 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định hết thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (15 ngày kể từ ngày tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo), thẩm phán phải ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Trường hợp các bên có đề nghị bằng văn bản thì thẩm phán có quyền ra quyết định vào bất cứ thời điểm nào trong thời hạn chuẩn bị ra quyết định.

Một vướng mắc khác là tại biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, các bên đã yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Tuy nhiên, trong quá trình tòa án xem xét để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì một bên tham gia hòa giải, đối thoại có yêu cầu thay đổi thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì tòa án xử lý như thế nào?

Giải đáp, TAND Tối cao cho rằng theo khoản 1 Điều 32, khoản 3 Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thì tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành khi có yêu cầu của các bên và nội dung thỏa thuận thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện. Do vậy, khi tòa án chưa ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành mà một trong các bên có yêu cầu thay đổi thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì tòa án không ra quyết định.

Giải đáp vướng mắc về Hòa giải viên

Liên quan đến Hòa giải viên, có tòa án cho rằng Hòa giải viên có quyền yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện theo điểm b khoản 1 Điều 14 của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Vậy, Hòa giải viên thực hiện quyền này như thế nào? Hòa giải viên có được xác minh, thu thập chứng cứ theo Điều 97 của BLTTDS, Điều 84 LTTHC hay không?

Giải đáp, TAND Tối cao cho rằng theo điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thì Hòa giải viên có quyền yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện. Khoản 6 Điều 3 của Luật này quy định: “Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc”.

Vì vậy, Hòa giải viên có thể yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện bằng văn bản (thông báo) hoặc hình thức khác (qua điện thoại, gmail, zalo ...). Hòa giải viên không xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 97 BLTTDS và Điều 84 LTTHC.

Một vướng mắc khác về Hòa giải viên được nêu ra là theo điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thì Hòa giải viên có quyền mời người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại. Vậy, người có uy tín được xác định như thế nào? Người có uy tín được mời tham gia hòa giải, đối thoại có được nghiên cứu hồ sơ vụ việc trước khi tham gia hòa giải, đối thoại hay không?

TAND Tối cao cho rằng theo khoản 7 Điều 21 của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thì Hòa giải viên có quyền mời người có uy tín có khả năng tác động đến mỗi bên tham gia hòa giải, đối thoại để hỗ trợ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết.

Người có uy tín là người có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng tích cực đến một hoặc các bên tham gia hòa giải, đối thoại, được bên tham gia hòa giải, đối thoại đó tôn trọng, tín nhiệm và tin tưởng. Người có uy tín được mời tham gia hòa giải, đối thoại có thể là người thân thích của người tham gia hòa giải, đối thoại, già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ, người có chức sắc tôn giáo. Người có uy tín không nghiên cứu hồ sơ vụ việc trước khi tham gia hòa giải, đối thoại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới