Sáng 9-9, TAND TP.HCM tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp với Công an TP.HCM trong công tác đảm bảo anh ninh trật tự tại trụ sở TAND hai cấp tại TP.HCM; ký quy chế phối hợp với VKSND TP trong việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự...
Đảm bảo việc xét xử những vụ án lớn được diễn ra an toàn
Theo ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM, thời gian qua TAND hai cấp TP.HCM đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm. Để các phiên toà được diễn ra an toàn, đảm bảo trật tự có sự hỗ trợ rất lớn từ các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.HCM.
Do đó, việc ban hành quy chế phối hợp giữa hai đơn vị là hết sức cần thiết. Chánh án TAND TP cũng đề nghị lãnh đạo TAND hai cấp TP nghiên cứu kỹ quy chế và khẩn trương triển khai thực hiện phối hợp một cách đồng bộ để trật tự an ninh phiên toà được đảm bảo, các phiên toà diễn ra một cách tôn nghiêm.
Cụ thể, theo quy chế phối hợp, đối với phiên tòa xét xử các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình có tính chất phức tạp cần có sự bảo vệ của lực lượng công an thì TAND TP có trách nhiệm gửi lịch xét xử và công văn đề nghị bảo vệ phiên tòa đến Công an TP trước 5 ngày làm việc.
Đối với phiên tòa xét xử các vụ án lớn, trọng điểm, xâm phạm an ninh quốc gia, án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và những vụ án được dư luận xã hội và truyền thông đặc biệt quan tâm hoặc có số lượng người tham gia đặc biệt lớn dễ dẫn đến tình huống tập trung đông người... thì TAND TP có trách nhiệm gửi công văn yêu cầu, kèm kế hoạch xét xử đến Công an TP trước 7 ngày làm việc để Công an TP có thời gian khảo sát vị trí, lên kế hoạch, phương án bảo vệ phiên toà.
Trong công văn yêu cầu và kế hoạch xét xử nêu rõ đặc điểm, tính chất vụ án, số lượng người tham dự, danh sách luật sư, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, phóng viên các báo, đài tham gia đưa tin...
Đối với các phiên tòa xét xử trực tuyến thì TAND TP có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Công an TP trước 3 ngày làm việc để chuẩn bị các trang thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến và đề nghị Công an TP cử lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp bảo vệ điểm cầu trung tâm (tại trụ sở Tòa án TP) đảm bảo an ninh trật tự cho các phiên toà.
Về phía Công an TP có trách nhiệm trao đổi, phối hợp và làm việc với lãnh đạo văn phòng TAND TP để phân công các lực lượng, đảm bảo các phiên toà diễn ra tuyệt đối an toàn.
Tăng cường phối hợp với VKSND TP trong các vụ án hành chính, dân sự
Sáng cùng ngày, TAND TP cũng tổ chức lễ ký quy chế phối hợp trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động những việc khác theo quy định của pháp luật với VKSND TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng VKSND TP.HCM, trong thực tiễn xét xử các vụ án hành chính, vụ việc dân sự có nhiều nội dung liên quan đến thủ tục tố tụng chưa được các luật tố tụng quy định cụ thể.
Từ đó, VKSND TP đã đề xuất để xây dựng quy chế phối hợp với toà án nhằm đảm bảo thời gian, sự phối hợp giữa hai bên chặt chẽ trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, đảm bảo thời hạn xét xử đúng theo quy định.
Những nội dung cụ thể trong quy chế phối hợp thể hiện ở nhiều vấn đề như: Phối hợp trong việc trả lại đơn khởi kiện, trả lại đơn yêu cầu; phối hợp trong việc gửi quyết định phân công kiểm sát viên tham gia phiên toà, phiên họp; phối hợp trong việc chuyển hồ sơ vụ án hành chính, vụ việc dân sự...
Hoạt động xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án cũng được nêu trong quy chế phối hợp.
Theo ông Quách Hữu Thái, Phó chánh án TAND TP, trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự cho thấy khi toà án ban hành các quyết định thu thập chứng cứ tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức gặp khó khăn vì cơ quan, đơn vị được yêu cầu cung cấp tài liệu, hồ sơ không phản hồi hoặc chậm trễ trong việc cung cấp. Điều này ảnh hưởng đến thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc.
Do đó, thông qua quy chế phối hợp này, VKSND hai cấp TP.HCM phối hợp, giám sát trong trường hợp cần thu thập chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, vụ việc.
Theo Điều 8 của quy chế thì thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, nếu phát hiện thấy hồ sơ vụ việc cần thu thập chứng cứ bổ sung hoặc cần bổ sung thủ tục tố tụng thì Kiểm sát viên trao đổi trực tiếp với thẩm phán hoặc ban hành văn bản đề nghị Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ
Tòa án gửi cho Kiểm sát viên bản sao tài liệu, chứng cứ ngay sau khi thu thập được. Trường hợp tại phiên tòa, phiên họp, tòa án mới nhận được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án công bố tài liệu, chứng cứ theo quy định.
Trường hợp việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của kiểm sát viên là không thể thực hiện được hoặc tòa án xét thấy không cần thiết thì chậm nhất là đến ngày hết thời hạn mở phiên tòa theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán thông báo cho kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Khắc phục sự chậm trễ trong bàn giao các văn bản tố tụng
Quy chế phối hợp giữa TAND TP và VKSND TP trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động những việc khác theo quy định của pháp luật sẽ khắc phục được thời gian chậm trễ trong vấn đề bàn giao hồ sơ và các văn bản tố tụng giữa hai cơ quan. Qua đó giúp cho toà án giải quyết các vụ án đúng theo thời hạn, thời hiệu pháp luật quy định.
Trên cơ sở quy chế phối hợp này các đơn vị TAND hai cấp TP.HCM khẩn trương nghiên cứu và áp dụng trong quá trình giải quyết các vụ án
Ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM