Nhiều khó khăn của doanh nghiệp (DN) về thuế đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc kéo dài từ năm này qua năm khác chưa được giải quyết.
Đây là phản ánh của cộng đồng DN tại hội nghị đối thoại DN với chính quyền thành phố liên quan đến vấn đề thuế do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, Cục Thuế TP.HCM tổ chức ngày 5-7.
Tặng 300 hộp bánh… xuất 300 hóa đơn
Nhiều DN nêu sự bất hợp lý trong chính sách thuế đối với quà tặng cho khách hàng. Đại diện Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV QT Chailease dẫn chứng nhân dịp Trung thu, công ty có tặng bánh cho khách hàng và các cơ quan nhà nước. Nếu xuất từng hóa đơn cho khách hàng thì số lượng rất nhiều. Cụ thể, tặng hơn 300 hộp bánh thì phải xuất hơn 300 tờ hóa đơn, trong khi khách hàng được tặng lại không có nhu cầu lấy hóa đơn.
Từ thực tế này, đại diện công ty này đặt câu hỏi: “Vậy nếu chúng tôi muốn được xuất trên một bảng kê thay vì phải xuất hơn 300 tờ hóa đơn cho từng khách hàng thì có được không?”.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế thuộc Cục Thuế TP.HCM, cho biết về nguyên tắc đối với quà tặng trên 200.000 đồng thì phải lập hóa đơn tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra và toàn bộ VAT đầu vào được khấu trừ. Riêng quà tặng dưới 200.000 đồng DN mới được lập bảng kê. “Đề nghị công ty có văn bản và hồ sơ cụ thể gửi lên Cục Thuế TP.HCM để được hướng dẫn cụ thể” - ông Thiện nói.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Cục Thuế TP.HCM, một số DN khác cho rằng vướng mắc hóa đơn cho khoản quà tặng đã kéo dài từ năm này qua năm khác nhưng chưa được giải quyết rốt ráo.
“Tại những hội nghị trước, lần nào ngành thuế cũng hứa sẽ kiến nghị Tổng cục Thuế để tháo gỡ nhưng gỡ hoài không xong. Đây là vướng mắc không lớn, do vậy các cơ quan chức năng cần quyết liệt gỡ rối cho DN” - đại diện một công ty đề nghị.
Nhiều DN phản ánh gặp khó vì thủ tục thuế còn chưa rõ ràng, thống nhất. Trong ảnh: Đại diện một DN đang phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: QUANG HUY
Trước bức xúc của cộng đồng DN, đại diện Cục Thuế TP.HCM thừa nhận nhiều công ty đang gặp vướng mắc về vấn đề hóa đơn. Thực tế cho thấy việc các công ty khi tổ chức sự kiện, hội nghị… tặng quà cho hàng ngàn khách hàng là chuyện bình thường. Với mỗi món quà tặng trị giá không lớn 200.000 đồng mà phải xuất hóa đơn thì đúng là “mất thời gian cho DN”.
Do vậy, đại diện Cục Thuế cam kết sẽ xem xét và có kiến nghị giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, trước mắt DN vẫn phải xuất hóa đơn với hàng hóa có giá trị trên 200.000 đồng.
Đi nghỉ mát vẫn phải đóng thuế
Nhiều DN cũng thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân. Chẳng hạn đại diện Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật truyền hình đặt câu hỏi: “Theo quy định của đơn vị, chi phí nghỉ mát hằng năm là 5 triệu đồng/người. Trường hợp thứ nhất: Chúng tôi tổ chức đi nghỉ mát cho nhân viên, làm hợp đồng với công ty du lịch (có danh sách người đi kèm theo); công ty du lịch xuất hóa đơn và chúng tôi trả tiền cho công ty du lịch đầy đủ bằng chuyển khoản. Trường hợp thứ hai là chúng tôi chi tiền nghỉ mát cho nhân viên bằng tiền mặt. Vậy số tiền trên có tính là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của từng người không?”.
Trả lời thắc mắc này, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho hay căn cứ Thông tư số 111/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân thì khoản tiền nghỉ mát chi trực tiếp cho người lao động bằng tiền hoặc tổ chức nghỉ mát cho người lao động phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Về thắc mắc của một DN “nhân viên ký hợp đồng cộng tác viên có được đăng ký giảm trừ gia cảnh hay không?”, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho rằng công ty có ký hợp đồng cộng tác viên với người lao động thì cá nhân người lao động trực tiếp đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (nếu có) tại chi cục thuế nơi cá nhân cư trú.
Bên cạnh đó, khi trả tiền thù lao cho cộng tác viên từ 2 triệu đồng trở lên, công ty thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất toàn phần là 10% trên thu nhập nhận được. Đồng thời không thực hiện giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc (nếu có).
Công văn đọc không hiểu
Một khó khăn khác cũng làm nóng hội nghị khi các DN phản ánh sự không rõ ràng, đọc không hiểu cách áp thuế VAT trong Công văn số 6142/BTC-CST ngày 9-5-2016 của Bộ Tài chính. Công văn này hướng dẫn về chính sách thuế đối với giá và các khoản phụ thu ngoài giá cước vận chuyển bằng đường biển của hãng tàu nước ngoài và hãng tàu Việt Nam.
Ông Duy Triết, đại diện Công ty CMA-CGM Việt Nam, nhận xét đọc Công văn 6142 của Bộ Tài chính, DN cũng không áp dụng được. Bởi vì công văn nói về giá CIF (giá bán tại cảng nhập), giá FOB (giá bán tại cảng xuất) không rõ và không thể xác định được 11 khoản phụ thu nên DN không biết áp dụng thuế suất VAT 0% hay 5%.
Trước thắc mắc này, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận thực tế thời gian qua DN vẫn còn gặp vướng mắc về vấn đề trên và cam kết: “Cục Thuế TP.HCM sẽ có buổi lắng nghe khó khăn cho DN trong lĩnh vực giao nhận và các hãng tàu biển để từ đó có kiến nghị Bộ Tài chính. Vì vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính chứ không phải của Cục Thuế TP.HCM nữa”.
Vé số Vietlott... bối rối vì thuế Đại diện Công ty Cổ phần ITTA ở quận 10, TP.HCM phản ánh: Các cá nhân có doanh thu từ việc hợp tác bán vé số Vietlott gặp khó vì hiện nay chưa có hướng dẫn khai thuế thống nhất từ cơ quan thuế. Cụ thể, mỗi chi cục thuế quận, huyện hướng dẫn khai thuế một kiểu. Một số chi cục thuế quận, huyện thì cho biết đã gửi công văn lên Cục Thuế TP.HCM và đang chờ chỉ đạo. “Đề nghị Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn cách làm thống nhất trên toàn TP cho trường hợp trên để chúng tôi được dễ dàng trong việc thực thi chính sách thuế” - đại diện Công ty ITTA kiến nghị. __________________________________ Tính trung bình mỗi tháng công ty phải đóng khoảng 4-5 tỉ đồng thuế VAT. Nếu không đóng hay làm sai là DN bị truy thu và bị phạt. Vì vậy, hiện nay công ty phải thu số thuế VAT của khách hàng và nộp cho cơ quan thuế. Chính vì vậy khách hàng phản ứng, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh… Vì vậy đề nghị cơ quan chức năng phải quy định rõ ràng để tránh làm khó cho DN. Ông DUY TRIẾT, đại diện Công ty CMA-CGM Việt Nam |