Tăng thu nhập cho nhân viên y tế phường, xã là sự kiện nổi bật của TP.HCM

Sáng 26-12, Sở Y tế TP.HCM cho biết nơi đây đã chọn 10 hoạt động và sự kiện nổi bật nhất của năm 2021. Trong đó có 9/10 hoạt động và sự kiện liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

1-Triển khai phiên bản đầu tiên về hướng dẫn sử dụng các gói thuốc A, B và C.

Ngày 9-8, Sở Y tế TP.HCM ban hành hướng dẫn quy trình theo dõi chăm sóc F0 tại nhà, và bắt đầu cung cấp túi thuốc A-B cho các trung tâm y tế để phát tận tay cho người dân.

Đến ngày 25-8, Sở Y tế TP.HCM nhận được các túi thuốc C từ chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir của Bộ Y tế cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ. Từ đó đến nay, các gói thuốc A, B và C đã và đang phát huy hiệu quả, làm giảm chuyển nặng đối với F0 cách ly tại nhà.

2-Triển khai hiệu quả trạm y tế lưu động

Ngày 22-8, các trạm y tế lưu động đầu tiên do lực lượng quân y đảm trách đi vào hoạt động. Sau đó, số lượng trạm y tế lưu động tăng lên 525 cũng do lực lượng và nhân viên y tế TP.HCM đảm trách.

3-Triển khai hiệu quả mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng

Ngay khi tiếp nhận các Trung tâm Hồi sức COVID-19 được bàn giao lại từ các bệnh viện (BV) Bạch Mai, Việt Đức và Trung ương Huế, ngành y tế TP.HCM đã triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” ngay tại các BV dã chiến số 13, 14 và 16.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi bác sĩ trẻ đang công tác tại bệnh viện dã chiến COVID-19. Ảnh: TRẦN NGỌC

Các BV dã chiến 3 tầng có quy mô từ 1500 đến 2.000 giường, có đủ cả giường ICU để hồi sức những trường hợp nặng và nguy kịch.

4-Huy động tổng lực và nhân sự chi viện nhân lực y tế lớn nhất trong lịch sử phát triển của ngành y tế TP.HCM

Trong đợt cao điểm chống dịch COVID-19 vừa qua, ngành y tế TP.HCM đã huy động tổng lực nhân viên y tế toàn ngành từ công lập đến tư nhân, kể cả cán bộ y tế đã nghỉ hưu.

Cụ thể: Huy động 1.533 đội lấy mẫu xét nghiệm, 1.109 đội tiêm vaccine ngừa COVID-19, thành lập 32 BV dã chiến và chuyển đổi công năng 64 BV.

Bên cạnh đó, ngành y tế TP.HCM được chi viện 23.748 nhân viên y tế đến từ các bộ, ngành và tỉnh thành trên cả nước.

5-Đổi mới sáng tạo trong công tác chống dịch xuất phát từ “tâm” của người thầy thuốc

10 mô hình đổi mới sáng tạo đã được ngành y tế TP.HCM đúc kết đó là: Chăm sóc F0 tại nhà”; “Bệnh viện chị” đi hỗ trợ trực tiếp cho “bệnh viện em”; trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng;  BV dã chiến 3 tầng; tư vấn F0 từ xa qua tổng đài “1022”; thầy thuốc đồng hành; cải tiến xe chở khách và taxi thành xe vận chuyển người bệnh; tổ y tế từ xa; chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng và H.O.P.E (chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm SARS-CoV-2).

6-10 bài học trong công tác phòng chống dịch COVID-19

Tóm tắt 10 bài học kinh nghiệm được đúc kết như sau:

(1) Mỗi phường xã phải thật sự là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ.

(2) Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh, cảnh báo dịch, triển khai xét nghiệm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

 (3) Cách ly F0 để ngăn chặn lây lan là cần thiết nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung. Chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

(4) Chiến lược chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng và dựa vào bệnh viện.

 (5) Huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng, chống dịch.

(6) Phát huy hiệu quả phối hợp giữa ngành y tế TP.HCM với lực lượng công an, quân đội trong triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 gắn liền với an sinh xã hội.

(7) Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.

(8) Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch.

 (9) Vaccine ngừa COVID-19 là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh.

(10) Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới trong giám sát, dự báo dịch bệnh, công tác chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng.

7-Xây dựng và triển khai 6 chiến lược y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới

Ngành y tế TP.HCM đã xây dựng và triển khai 6 chiến lược y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân.

(1) Chiến lược bao phủ vaccine ngừa COVID-19 đến từng người dân.

(2) Chiến lược kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn bình thường.

(3) Chiến lược quản lý và chăm sóc F0 tại nhà.

(4) Chiến lược điều trị F0 tại các BV tập trung chăm sóc người bệnh có triệu chứng trung bình trở lên và những người thuộc nhóm nguy cơ cao. 

(5) Chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

(6) Chiến lược nâng cao năng lực phòng, chống dịch, đầu tư thích đáng cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng để sẵn sàng ứng phó với những dịch bệnh bùng phát, mới nổi và lan rộng trên phạm vi toàn TP.HCM.

8-Triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ

“Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” tập trung bảo vệ sức khỏe người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong do COVID-19.

9-Khởi động đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở

Các nội dung chính của đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở đã được ngành y tế TP.HCM xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi bao gồm:

(1) Điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế. Thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm (như quy định hiện nay) thì cần nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế/trạm.

(2) Các chính sách tăng mức hỗ trợ thu nhập hàng tháng để nhân viên y tế cơ sở an tâm công tác.

(3) Các chính sách nhằm tăng cường và thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại các tuyến y tế cơ sở.

10-Khởi công xây dựng 3 bệnh viện cửa ngỏ

Năm 2021, TP.HCM đã khởi công xây mới 3 BV cửa ngõ là Đa khoa khu vực Hóc Môn, Đa khoa khu vực Củ Chi và Đa khoa khu vực Thủ Đức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm