Tăng thuế rượu bia, thuốc lá: Coi chừng buôn lậu!

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thêm 15%-30% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, rượu, thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng các mặt hàng này đồng thời góp phần tăng thu cho ngân sách. Có lẽ hiếm có đề xuất tăng thuế nào lại được các chuyên gia kinh tế và chuyên gia thuế đồng tình như đề xuất lần này của Bộ Tài chính.

Tăng thuế là cần thiết!

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc tăng thuế rượu, bia là việc mà các nước trên thế giới đang làm và đã làm. Các nước này làm chủ yếu không phải để thu ngân sách mà nhằm hạn chế việc dùng quá nhiều bia, rượu sẽ dẫn đến những tổn thương khác cho xã hội mà ngân sách không thể tính được. Ví dụ như tổn thương về sức khỏe, gia đình - xã hội… “Chúng ta nên ủng hộ phương án tăng thuế vì không chỉ giúp tăng thu ngân sách mà còn vì tác động của nó đối với xã hội, y tế hết sức lớn” - ông Doanh nói.

Việc tăng thuế rượu, bia, thuốc lá không chỉ giúp tăng thu ngân sách mà còn tác động  lớn đối với nhu cầu tiêu thụ trong xã hội. Ảnh: HTD

Cùng quan điểm, luật gia Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia về thuế, cũng nhấn mạnh: “Tăng thuế các mặt hàng đó là đúng rồi. Rượu, bia, thuốc lá như cặp bài trùng, nếu tăng thuế giảm nhu cầu hút thuốc thì uống rượu bia cũng ít đi. Các tệ nạn xã hội từ đó giảm rõ rệt, ít tình trạng say xỉn, người dân chăm chỉ lao động, từ đó mà tăng thu nhập. Đặc biệt tăng thuế sẽ tác động tích cực tăng nguồn thu ngân sách lớn cho Nhà nước vì hiện tại thuốc lá và bia rượu là những ngành dẫn đầu trong nguồn thu thuế và bỏ xa các nguồn khác nhiều lần”.

Theo ông Sơn, với nguồn thu này ta có thể đầu tư các hạng mục liên quan như giao thông, bệnh viện, các công trình tiện ích sức khỏe vì cộng đồng mà Việt Nam không có đủ ngân sách. Từ đó tăng ý thức người dân coi việc hút thuốc và uống bia không còn là mốt, là phong trào. “Tăng thuế đồng nghĩa tạo đòn bẩy tăng giá. Các nhà sản xuất sẽ tăng giá khiến những người nghiện thuốc, nghiện nhậu sẽ phải quan tâm vì túi tiền của họ bị ảnh hưởng, từ đó có thể giảm dần sự hút, sự nhậu” - ông Sơn nói thêm.

Lo rượu lậu, thuốc lá lậu

Dù đồng tình với đề xuất tăng thuế đối với rượu, bia, thuốc lá nhưng các chuyên gia cũng lo ngại nếu đề xuất này được thông qua thì tình trạng buôn lậu với các mặt hàng sẽ rất phức tạp. Đây là điều các cơ quan quản lý phải tính đến và có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn. “Khi giá trong nước ở mức cao sẽ kéo theo tình hình nhập lậu rượu, bia, nhất là thuốc lá sẽ gia tăng. Vì vậy, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt các mặt hàng này phải đi kèm với điều kiện quản lý chặt hàng nhập lậu” - ông Sơn nhận định.

Theo ông Lê Đăng Doanh, hiện nay chưa tăng thuế nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá, rượu đã rất lớn. “Bên cạnh việc tăng thuế thì việc quan trọng hơn là phải giải quyết bài toán sản xuất rượu lậu và buôn thuốc lá lậu. Vì từ đấy sẽ tăng được nguồn thu cho ngân sách” - ông Doanh nêu quan điểm.

TS Nguyễn Thị Thủy, Trường ĐH Luật TP.HCM, nói thêm: “Nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia, rượu, thuốc lá thì chắc chắn sẽ dẫn đến vấn đề buôn lậu, trốn thuế. Do vậy, cơ quan quản lý phải quản lý thuế thật chặt. Vì khi thuế càng cao thì sự “bắt tay” giữa doanh nghiệp (DN) và cơ quan thuế sẽ càng lớn”. Cũng theo TS Thủy, để hạn chế mặt hàng này, việc tăng thuế mới là giải pháp trước mắt, còn lâu dài thì cần nhiều biện pháp khác. Trong đó, cần phải phạt nặng hơn nữa các trường hợp trốn thuế, không tạo điều kiện để các DN lách được thuế.

M.PHƯƠNG - Q.HUY - T.UYÊN

 

Muốn giảm rượu, bia, cần nhiều giải pháp khác nữa 

Giải pháp cuối cùng vẫn là tìm mọi cách để ngăn chặn và làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Nhu cầu giảm thì cung sẽ giảm. Vì vậy, Nhà nước phải áp dụng nghiêm khắc những đạo luật ngăn cấm hút thuốc lá tại những nơi công cộng; uống rượu, bia có khu vực riêng, có chế tài xử phạt nặng. Các quy định bằng luật pháp ngặt nghèo, biện pháp tác động mạnh trực tiếp vào tâm lý người dân thì mới mong giảm nhu cầu hút thuốc lá, rượu bia.

Một chuyên gia về y tế công cộng

Thuốc lá lậu lời gấp 30 lần

Khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên thì chắc chắn thuốc lá nhập lậu cũng sẽ tăng lên. Trước năm 2012, thuốc lá nhập lậu chiếm 19%-20% thị phần, năm 2013 tăng lên 22,1%. Năm 2014, dự kiến thị phần thuốc lá lậu sẽ vượt qua 23%, năm 2015 sẽ hơn 25%. Theo đánh giá của tổ chức kinh tế học Anh quốc, với tình trạng thuốc lá nhập lậu lớn như vậy thì năm 2012, Nhà nước thất thu thuế 309 triệu USD.

Hiện nay 90% thuốc lá lậu là Hero và Jet, lợi nhuận một bao thuốc lá lậu gấp 30 lần một bao thuốc sản xuất nội địa. Ví dụ đối với dòng cấp thấp lợi nhuận của DN sản xuất trong nước là 50 đồng/bao, thuốc lá lậu 6.000-7.000 đồng/bao. Do vậy nếu tăng thuế thì các DN rất khó cạnh tranh với thuốc lá lậu. Hiện nay hiệp hội đang trình xin Chính phủ kéo dãn thời gian áp dụng, cần có lộ trình và xem xét thực tiễn chứ không nguồn thu sẽ bị thất thoát lớn.

Cuối năm 2013, Bộ Công Thương cũng đã có đề án chống buôn lậu thuốc lá và đang chờ phê duyệt. Với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá do các DN trong hiệp hội tự nguyện đóng, hiệp hội sẽ hỗ trợ 1.100 đồng/gói khi các cơ quan chức năng bắt giữ tiêu hủy một gói thuốc lá lậu. Năm 2014, hiệp hội đề xuất mức hỗ trợ lên 3.500 đồng/gói, Bộ Tài chính đã đồng ý với đề xuất này và đang trình chính phủ. Đặc biệt, hiệp hội cũng kiến nghị Nhà nước luôn quan tâm đối với các nước có chung đường biên giới để góp phần chống buôn lậu thuốc lá. Cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát ngay cả người bán lẻ. Bên cạnh đó, hiện nay đang có dự thảo sửa đổi quy định những người mang vác vận chuyển 1.000 gói thuốc là bị truy cứu trách nhiệm hình sự (hiện tại là 1.500 gói trở lên). Nếu được thông qua sẽ phần nào hạn chế tình trạng thuốc lá lậu.

Ông PHẠM KIẾN NGHIỆP, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm