ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói: “Vấn đề được đặt ra là vì sao trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro và suy giảm… mà kinh tế nước ta vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao từ 6,2% năm 2016 đến chín tháng đầu năm 2019 là 6,8%”.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đồng tình với báo cáo của Chính phủ về các kết quả đạt được như đạt và vượt 12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng…
ĐB Quốc nói: “ĐB Quốc hội cũng như cử tri có thể cảm nhận được điều đó không phải chỉ trên giấy tờ mà trong chính cuộc sống của mình và sự đánh giá tích cực càng được khẳng định khi chúng ta nhìn nhận trong một thế giới đầy biến động, rủi ro, có chiều hướng nảy sinh nhiều tác động tiêu cực”.
Bên cạnh sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ, các ĐB Quốc hội cũng chỉ ra nhiều thực trạng trong quản lý, điều hành, những “hạt sạn” trong các lĩnh vực từ an ninh trật tự, y tế, giáo dục, cán bộ, phòng, chống tham nhũng và kể cả ngoại giao. Các vụ việc cụ thể từ Alibaba lừa hàng nghìn người ở TP.HCM; vụ cháy Rạng Đông, sự cố nước sạch tại Hà Nội đến các vụ tham nhũng lớn có quan chức nhận hối lộ hàng triệu USD… cũng được ĐB Quốc hội đề cập.
Góp ý về mặt giải pháp phát triển tới đây, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến việc đánh giá GDP. Bởi nếu chỉ có GDP là chỉ số được quan tâm thì có thể sẽ có những hệ lụy khi chỉ số này chưa phản ánh đúng bản chất tăng trưởng và không phải là cơ sở quan trọng nhất để hoạch định kế hoạch phát triển.
“GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo của các địa phương. Các vùng phên dậu của đất nước thì đánh giá khác, không nên chạy theo GDP, không chạy theo con số đo bằng tiền và tăng trưởng mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của địa phương. Những nơi cần bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng mà để tàn phá rừng thì lãnh đạo địa phương đó không hoàn thành nhiệm vụ” - ĐB Nghĩa thẳng thắn.
ĐB Trương Trọng Nghĩa và ĐB Hoàng Quang Hàm đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến chỉ tiêu thu nhập quốc dân (GNI). ĐB Hàm còn thẳng thắn: “Đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP như trước đây cần giao thêm chỉ tiêu thu nhập quốc dân (GNI) để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế, thu nhập của người dân”.
Tổng kết hai ngày thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhận định rằng: Các ĐB cơ bản đã đồng tình với Chính phủ về rất nhiều nội dung. Chẳng hạn như chất lượng tăng trưởng được cải thiện; tăng trưởng có thể đạt và vượt mức ước tính thực hiện của Chính phủ là 6,8%.
“Ngân sách cũng vượt thu, đảm bảo chi cho giáo dục, y tế, phát triển. Chi ngân sách đã theo hướng tích cực, bảo đảm được an ninh tài chính quốc gia, an sinh xã hội; an sinh xã hội có nhiều tiến bộ; đối ngoại có nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng… đạt kết quả tốt” - Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển khái quát.
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của các ĐB về các mặt còn tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục.