Tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Tư pháp trong quý 1-2025

(PLO)- Quý 1-2025, Bộ Tư pháp tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ, bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-1, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác tư pháp năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong quý I-2025.

Báo cáo của Bộ Tư pháp khẳng định năm qua, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ, theo đúng phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” của Chính phủ.

Bo-Tu-phap-to-chuc-hop-bao.jpeg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì họp báo.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ công

Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân được tăng cường, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên thông về khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân; thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến… Điều này mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Cạnh đó, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là lĩnh vực được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

Bộ, ngành Tư pháp cũng tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp đã kịp thời nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đề xuất các giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo tư tưởng chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là tập trung triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”…

Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Tư pháp

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp quý 1-2025, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, văn bản, đề án do Bộ Tư pháp chủ trì. Cụ thể gồm: Nghị quyết của Quốc hội giải quyết vướng mắc, phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi); Luật THADS (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Đề án “Định hướng xây dựng pháp luật của Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI”…

Bộ cũng tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Tư pháp bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là kịp thời thẩm định, đảm bảo chất lượng các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của các cơ quan, nhất là các văn bản, đề án phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần “tinh, gọn, mạnh”…

Kết quả THADS năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) năm qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kết quả THADS năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Cụ thể, năm 2024, các cơ quan THADS đã thi hành xong gần 621.000 việc, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,63% so với chỉ tiêu được giao.

Về tiền, đã thi hành xong hơn gần 117.000 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,39% so với chỉ tiêu được giao.

Về kết quả THAHC, năm 2024, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành 1.973 bản án, quyết định (số lượng kỳ trước chuyển sang là 776, phát sinh trong kỳ báo cáo gần 1.200), tăng 559 bản án, quyết định so với năm 2023 (tăng gần 74%). Các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 896 bản án, quyết định, tăng gần 54% so với năm 2023.

Năm 2025, Bộ Tư pháp đặt mục tiêu tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2025; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm