ĐỒNG THÁP MƯỜI - CÂU CHUYỆN TỪ LÒNG ĐẤT - KỲ 1:

Tên gọi “Tháp Mười”có từ lúc nào?

Phế tích "Viễn Vọng Đài" tại Gò Tháp. Phía sau là di tích Gò Tháp Mười đã được khai quật một phần - Ảnh: V.Tr.
Phế tích "Viễn Vọng Đài" tại Gò Tháp. Phía sau là di tích Gò Tháp Mười đã được khai quật một phần - Ảnh: V.Tr.

Thế là họ nghĩ ra một cái tên dựa vào những gì họ nhìn thấy: Plaine des Joncs, tức là đồng cỏ lác. Bản đồ họ vẽ để thi hành hòa ước Nhâm Tuất đã ghi rõ vùng Đồng Tháp Mười hiện nay là Đồng cỏ lác.

Thực tế tên gọi này đã được rút ngắn cho dễ nhớ chứ ban đầu Pháp gọi là “Cánh đồng ngập nước đầy cỏ”. Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, địa danh Đồng Tháp Mười hoàn toàn không có trong địa bạ Nam kỳ năm 1836.

Đồng cỏ lác

Đồng Tháp Mười xưa kia vốn là vùng đất hoang hóa, các thế hệ trước đây đều biết ở đó chỉ toàn cỏ lác, đỉa, muỗi, thú dữ, bệnh tật.

Học giả Nguyễn Hiến Lê trực tiếp đi xuyên qua vùng đất này đã kể lại trong quyển Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười rằng: “Trong Đồng Tháp Mười, cuối mùa nắng còn những chỗ sình lầy tới đầu gối và rộng hàng trăm thước. Đám lau sậy hàng chục cây số, không gặp một nóc nhà, một bóng người và rắn, đỉa thì vô số”.

Trong Đồng cỏ lác có một khu vực gò cao không bị ngập vào mùa nước nổi, lại có địa hình hiểm trở nên Thiên Hộ Dương đã chọn làm địa điểm xây dựng căn cứ khởi nghĩa chống Pháp từ năm 1864-1866. Đó là khu vực di tích gò Tháp bây giờ.

Thời điểm đó khu vực này không có tên, cũng không thuộc địa giới hành chính của các làng xã nào. Xung quanh khu căn cứ của Thiên Hộ Dương không có kênh, rạch nên chỉ có cách duy nhất để vào là đi bộ theo đường mòn mà cư dân vùng này hay sử dụng.

Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, có ba đường mòn vào căn cứ gồm: một đường từ gò Bắc Chiêng đi xuống, một đường từ Cần Lố đi lên và một đường từ Cái Nứa đi lại. Ở đầu các con đường này, Thiên Hộ Dương cho xây dựng ba tiền đồn để án ngữ, che chở cho tổng hành dinh bên trong.

Ngoài ra ông còn cho xây dựng rất nhiều đồn nhỏ canh giữ các mặt xung quanh. Trong đó con đường quan trọng nhất là đường từ Cần Lố vào được dùng để chở gạo cho nghĩa quân nên được gọi là “đường gạo”.

Nghĩa quân Thiên Hộ Dương từ căn cứ này đã tỏa ra ngoài đánh nhiều trận lớn khiến Pháp rất lo sợ nhưng không dám tấn công vào vì sợ “bốn tướng quân” lợi hại hỗ trợ nghĩa quân là bùn lầy, đỉa, muỗi và nắng. Cánh đồng này thường ngập nước sáu tháng và mùa khô cũng đầy bùn.

Trong bùn thì có vô số đỉa trâu to bằng ngón chân cái. Lính Pháp rất sợ đỉa, muỗi và không chịu nổi cái nắng hầm hập đến nghẹt thở vào ban ngày nên mau kiệt sức, đi còn không nổi thì nói gì đến đánh đấm. Nhưng vì lo ngại ẩn họa từ nghĩa quân Thiên Hộ Dương nên Pháp buộc phải dồn tổng lực tấn công căn cứ vào giữa tháng 4-1866.

Mặc dù đẩy lùi được nghĩa quân Thiên Hộ Dương, chiếm được căn cứ nhưng Pháp cũng phải trả giá rất đắt khi có tới 100 lính bỏ mạng và bị thương ở đây.

Trên Đồng Tháp Mười - Ảnh: V.Hiển
Trên Đồng Tháp Mười - Ảnh: V.Hiển

Thiên Hộ Dương và “Tháp Mười”

Đến gò Tháp bất cứ ai cũng dễ dàng tìm được nơi Thiên Hộ Dương xây dựng tháp canh những năm 1864-1866. Đó là một gò cao nơi chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây một tháp 10 tầng cao 42m.

Tuy nhiên tháp chỉ tồn tại được khoảng ba năm vì đã bị đặc công giải phóng đánh sập năm 1959, hiện vẫn còn ngổn ngang các khối bêtông cột tháp bề thế dài gần 20m, bị gãy nhiều đoạn.

Cũng tại nơi này vào năm 1998 các nhà khảo cổ đã khai quật, phát hiện một kiến trúc cổ thuộc văn hóa Óc Eo và nhiều hiện vật có từ hơn 1.500 năm trước nằm dưới lòng đất. Các nhà khảo cổ đã đặt cho nó cái tên “kiến trúc gò Tháp Mười”.

Thế nhưng không phải đến năm 1998 chỗ này mới có tên gò Tháp Mười mà thật ra đã có từ hơn 100 năm trước.

Nhiều tài liệu ghi lại rằng Thiên Hộ Dương nghe một số cư dân sống ở vùng Đồng Tháp Mười nói có một gò đất pha cát cao hơn 7m so với mặt nước biển, đỉnh gò dài trên 500m, rộng 300m, diện tích khoảng 1km2rất phù hợp để xây dựng căn cứ kháng Pháp.

Khi vào đây ông phát hiện vết tích một tháp hoang tàn, đổ nát nên đã gọi là Vãng Tháp. Năm 1865 lần đầu tiên ông sử dụng chữ “Vãng Tháp” trong báo cáo tình hình quân cơ gửi vua Tự Đức.

Chính vì vậy, châu bản triều Nguyễn ngày 27-3-1865 cũng dùng lại từ này, nội dung như sau: “Lại việc nữa: quan Tây có đến Vĩnh Long tháng chạp qua, đảng của Thiên Hộ Dương, tên quản Là đã đánh giết bốn người Tây, bắt sống một. Nói lên rằng đã giải đến Vãng Tháp nộp cho Thiên Hộ Dương”.

Châu bản triều Nguyễn ngày 27-3-1865 có đoạn nói đến chữ Thập Tháp: “...Trước đây tên phạm đó (chỉ Thiên Hộ Dương) ẩn náo (náu) ở Thập Tháp, nơi tiếp cận ranh giới tỉnh Vĩnh Long, chỉ nơi đó mới được nghiêm ngặt phòng triệt...”.

Đối chiếu hai báo cáo của Thiên Hộ Dương gửi cho vua Tự Đức trong năm 1865 và 1866 (bị quân Pháp tịch thu được, sau đó công bố trên Revue Indochinoise số 2, năm 1914) có nhắc đến chữ Tháp Mười bằng chữ quốc ngữ, lặp đi lặp lại nhiều lần cho thấy ông đã biết thêm thông tin mới hơn, chi tiết hơn về hình hài cái tháp trước đây nên mới bỏ chữ Vãng Tháp mà dùng chữ Tháp Mười.

Ngày 17-4-1866 khi quân Pháp chiếm được căn cứ của Thiên Hộ Dương thì chúng cũng đưa tin trên báo rằng: “Đã chiếm được Tháp Mười”.

Tên gọi Tháp Mười chính thức xuất hiện và được triều Nguyễn lẫn chính quyền thực dân Pháp sử dụng phổ biến kể từ đó. Tháp Mười cũng chính thức thay thế cho địa danh Plaine des Joncs mà Pháp đặt mấy năm trước đó.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cũng đưa ra nhận định: “Địa danh Đồng Tháp Mười mới được phổ biến từ khi Thiên Hộ Dương lấy nơi này làm căn cứ cho nghĩa quân chống Pháp. Đồng Tháp Mười đã là một địa danh chính thức do người VN đặt ra, mang nhiều ý nghĩa về địa lý, lịch sử quan trọng”.

Và cho dù sử dụng từ nào thì rõ ràng Thiên Hộ Dương biết chắc nơi này xưa kia đã từng có tháp. Chữ “Tháp” ấy đột nhiên có sức hút mãnh liệt đối với các nhà khảo cổ học.

Bằng chứng là sau khi quân đội chiếm được căn cứ gò Tháp Mười, các nhà khảo cổ người Pháp đã tìm cách đến đây để nghiên cứu. Chính họ đã phát hiện tại đây từng có dấu tích của ngôi tháp.

Từ khi phát hiện dấu tích kiến trúc đền tháp tại gò Tháp đến nay đã hơn 100 năm song công tác khai quật vẫn chưa kết thúc. Trong thời gian ấy đã xảy ra rất nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về nguồn gốc tên gọi “Tháp Mười” và "Đồng Tháp Mười”, thậm chí là Đồng Tháp.

Tượng và đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều trong khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp - Ảnh: V.Tr.
Tượng và đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều trong khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp - Ảnh: V.Tr.
Trước năm 1865, khi thực dân Pháp đặt bộ máy cai trị ở Nam kỳ thì vùng Đồng Tháp Mười vẫn chưa có tên. Người Pháp tạm đặt cho nó cái tên là “Plaine des Joncs” bởi vì họ nhìn thấy cánh đồng hoang vu đầy cỏ.

Câu hỏi đặt ra là từ “Tháp Mười”, “Đồng Tháp Mười” xuất hiện từ khi nào? Câu chuyện về nó ra sao?

_________

Kỳ tới:Tấm bia đá thất lạc

Theo VÂN TRƯỜNG (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm