Tết Việt bị… lộn hộ khẩu

Một từ thông dụng nữa được bạn bè quốc tế quen gọi là Tet holiday. Còn khi chúc mừng nhau người ta hay dùng cụm từ Happy new year chung cho cả tết dương lịch và tết âm lịch. Lời chúc cụ thể cho tết âm lịch phổ biến vẫn là Happy lunar new year.

Thế nhưng điều đáng buồn là vài năm gần đây, tổng lãnh sự quán một nước châu Âu đóng tại TP.HCM vẫn gửi thiệp chúc tết cho các nhà báo với dòng chữ Happy Chinese new year (chúc mừng tết Trung Quốc)! Một cơ quan ngoại giao gửi thiệp chúc tết cho người Việt ngay tại đất nước Việt Nam mà còn để xảy ra những sai sót này thì thật đáng trách.

Chúng ta đều biết rằng tại châu Á không chỉ có một mình Trung Quốc mà còn Việt Nam, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản cũng ăn tết theo âm lịch. Riêng Nhật Bản thì đến năm 1873 đã chuyển hẳn sang ăn tết theo dương lịch nhưng vẫn giữ đầy đủ phong tục theo tết cũ. Dù cũng là ăn tết âm lịch nhưng tên gọi tết của từng nước vẫn được quốc tế hóa như tết của người Việt được gọi là Tet holiday, của Hàn Quốc gọi là Seollal, tết Mông cổ là Tsagaan Sar… Tết của các nước này, trong đó có cả Việt Nam được gọi chung là Lunar new year (tết âm lịch).

Có thể câu chúc đề ở tấm thiệp như trên không phải là lỗi cố ý nhưng có một thực tế là nhiều du khách và người dân ở các nước trên thế giới vẫn vô tư gọi tết Nguyên đán của Việt Nam là “Chinese new year”. Lỗi này do đâu?

Lỗi này rất phổ biến và cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại các nước đã rất tích cực sửa chữa. Mỗi khi báo chí nước sở tại gọi sai tên thì cơ quan ngoại giao của ta đều có văn bản đề nghị chấn chỉnh. Trong các văn bản, giấy mời dự tiệc chiêu đãi tết của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đều minh định cụ thể cách gọi tên tết Nguyên đán là Vietnamese new year, Tet holiday, hoặc Lunar new year.

Một nhà báo từng có thời gian du học ở Anh kể, hầu hết người dân nơi chị theo học dù biết chị là người Việt nhưng họ vẫn quen miệng gọi tết ta là “Chinese new year”. Nguyên nhân là ở đây cộng đồng người Hoa sinh sống rất đông. Mỗi dịp tết âm lịch họ lại thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như múa lân, hội chợ, biểu diễn nghệ thuật… Những chương trình này không chỉ có người Hoa mà cả những người bản địa và khách du lịch cũng thích thú tham gia. Chính những điều này khiến người ta “cào bằng” luôn tết âm lịch của các nước châu Á là… tết Trung Quốc.

Việc khắc phục cách gọi sai trái này không chỉ là lòng tự trọng dân tộc mà nó còn phải được coi như những hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam. Rõ ràng những hoạt động văn hóa chào mừng tết Nguyên đán của cộng đồng người Việt ở nước ngoài còn quá mờ nhạt, không đủ để đánh động sự quan tâm của bạn bè năm châu. Ở đây còn thiếu bóng dáng của các “bà đỡ” như Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT&DL. Chả trách mới đây ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã nói một câu chua xót rằng Tổng cục Du lịch chỉ giỏi hát karaoke!

HOÀNG MẠNH HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm