Báo cáo của Bộ VH-TT&DL trong hội nghị sáng nay, 16-12, cho thấy sau hai năm thực hiện đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, hệ thống thư viện cả nước đã có bước cải thiện nhất định.
Cụ thể, năm 2019, cả nước có 24.800 thư viện, với 44 triệu bản sách, tăng 14% so với năm 2018. Bạn đọc đến thư viện có sự bứt phát với hơn 47 triệu lượt, tăng 31%.
Đánh giá tổng quát, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy sự yêu thích đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Từ đó tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh tác giả, tác phẩm, góp phần xây dựng, hình thành thói quen đọc...
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News - Trí Việt, được nhận giải phát triển văn hóa đọc trong hội nghị sơ kết này.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà băn khoăn về chế độ đãi ngộ rất thấp cho người làm thư viện, chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng - vấn đề được nói ở nhiều hội nghị mà chưa được cải thiện.
“Có cán bộ thư viện trình độ thạc sĩ nhưng chỉ được hưởng lương trung cấp. Điều này là phổ biến trong ngành giáo dục, làm những người làm công tác thư viện ở các nhà trường rất buồn” - bà Ngà trăn trở.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News - Trí Việt, dù được nhận giải thưởng phát triển văn hóa đọc trong hội nghị này, song vẫn có những suy tư của người làm sách, kinh doanh sách.
Ông nhận xét xã hội đang có nhiều xu hướng chuyển động khác nhau, mà chiều tích cực xem ra ít hơn chiều tiêu cực. Vậy nên, văn hóa đọc mà được khôi phục, phát triển sẽ giúp nâng cao tính chính trực cho con người, cũng như tôn vinh nền văn hóa cộng đồng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn hiện tượng đáng buồn, mà như ông Phước bình luận: “Rất nhiều người thậm chí chẳng đủ tiền mua một cuốn sách để đọc. Nhưng nhiều người khác thừa tiền lại không bao giờ mua sách”.