Từ hôm nay, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) sẽ khép lại một chặng đường dài công tác trong ngành tòa án. 30 năm với bao buồn vui, thăng trầm của nghề, ông đã ghi dấu ấn trong lòng nhiều người về một thẩm phán giỏi chuyên môn, tận tụy với công việc.
Vị chủ tọa sắc sảo
Về hình sự, nhiều người không quên vụ án từng gây xôn xao dư luận trước đây: Một vụ đâm chém có nhiều người tham gia xảy ra ở một quán cà phê làm một người chết, một người trọng thương. Sau đó, cháu trai của một võ sư nổi tiếng, nguyên là HLV trưởng đội tuyển Taekwondo Việt Nam ra đầu thú, tự nhận chỉ có một mình gây án nên bị khởi tố, còn võ sư kia và hai kẻ gây án khác thì được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Xử sơ thẩm lần đầu năm 1999, TAND TP.HCM đã phạt cháu trai võ sư án tù chung thân. Người bị hại kháng cáo. Thẩm phán Hùng được phân công giải quyết. Nhận thấy sự bất hợp lý giữa kích thước của con dao tang vật với vết thương của nạn nhân, cộng với các trình bày từ phía người bị hại, ông đã quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Kết quả cuối cùng là ngoài người đã nhận tội thay còn có ba người từ chỗ “vô can” đã bị kết tội giết người, trong đó võ sư bị phạt tử hình.
Ít ai biết để làm sáng tỏ vụ án, ngoài việc nghiên cứu thật kỹ tất cả tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, kỹ năng xét hỏi sắc sảo, Thẩm phán Hùng còn phải vượt qua nhiều áp lực bởi từng có chỉ đạo tha ba bị cáo, không lật lại vụ án nữa.
Thẩm phán Phạm Công Hùng trong một lần xét xử tại Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Bản lĩnh, thẳng thắn
Án hình sự phức tạp nhưng với Thẩm phán Hùng, khó khăn nhất vẫn là xét xử án hành chính. “Chính từ cái khó nó lại làm cho tôi say mê với loại án này lúc nào không hay. Mối nhân duyên này có từ khi tôi nhận chức chánh Tòa Hành chính TAND một tỉnh” - ông kể.
Theo ông, một bản án hành chính nghiêm minh có sức lan tỏa rất lớn, thúc đẩy việc cải cách hành chính, ích nước lợi dân. Nhưng khi xử án, thẩm phán phải giao tiếp với những người bị kiện “đặc biệt”. Họ có chức, có quyền trong cơ quan nhà nước, thậm chí còn có quyền tham gia, quyết định việc tái bổ nhiệm thẩm phán.
Như trong phiên phúc thẩm vụ một công ty kiện Cục Hải quan một tỉnh nọ, đại diện người bị kiện liên tục tỏ thái độ quan quyền trước tòa. Rất nhiều lần ông hỏi, vị này không thèm trả lời. Ông phải liên tục lưu ý người bị kiện về thái độ, cách trả lời và nghiêm giọng: “Dù người ban hành quyết định hành chính quyền to bao nhiêu đi nữa thì quyền lực này vẫn phải bị kiểm sát. Khi tham gia tố tụng, các anh bình đẳng với dân, không thể kẻ cả trên đầu người khác!”.
Trả lời đại diện VKS, vị cán bộ hải quan còn xưng hô “anh, tôi” một cách tự nhiên chủ nghĩa, rất phản cảm. Thẩm phán Hùng lập tức đề nghị đại diện VKS nhận định về cách xưng hô không chuẩn mực này, đồng thời nhắc nhở người bị kiện phải tuân thủ cách xưng hô tại tòa cho đúng.
Vụ khác, khi thụ lý vụ một doanh nghiệp kiện thanh tra một bộ, tòa sơ thẩm đã gửi thông báo đến người bị kiện. Thay vì cung cấp các chứng cứ liên quan cho tòa để bảo vệ quyết định của mình, người bị kiện lại gửi văn bản đến tòa cho rằng doanh nghiệp cố tình trốn thuế và đề nghị tòa chuyển hồ sơ sang công an.
Trong phiên phúc thẩm, Thẩm phán Hùng đã luôn nhắc nhở thái độ của đại diện bên bị kiện. Ông phân tích bên bị kiện trong trường hợp này đừng nghĩ mình là cơ quan nhà nước mà quên đi tư cách tham gia tố tụng. Ông cũng chấn chỉnh ngay việc gửi đơn đến các cơ quan tố tụng tối cao yêu cầu chỉ đạo thế này thế kia của người bị kiện là không đúng Luật Tố tụng hành chính. Kết quả, đại diện người bị kiện đã nhận thấy sai sót và tự điều chỉnh hành vi của mình tại phiên tòa.
Khi xét xử, phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thẩm phán Hùng không ngại kiến nghị ngay trong bản án dù có thể đụng chạm đến nhiều cơ quan công quyền khác. Chẳng hạn, có vụ phát hiện nghi vấn “bôi trơn” hàng triệu USD trong một dự án đầu tư, ông đã kiến nghị các cơ quan liên quan phải xem xét làm rõ.
Vì sự thẳng thắn ấy, ông từng gặp những trải nghiệm khó quên. Một lần khi còn làm ở TAND một tỉnh, ông hủy quyết định của chủ tịch UBND tỉnh. Ngay năm đó, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh này đã đề nghị Hội đồng thi đua TAND tỉnh rút tên ông ra khỏi danh sách được cấp bằng khen. Ông rất kiên quyết yêu cầu Hội đồng Thi đua TAND tỉnh phải xem xét lại, nếu ông không xứng đáng thì không đề nghị nữa, còn nếu ông đủ điều kiện thì vẫn phải để tên ông trong danh sách. Cuối cùng, Hội đồng Thi đua TAND tỉnh kết luận ông xứng đáng và năm đó ông đã được cấp bằng khen.
Người thầy nhiệt huyết
Ngoài thành công trong nghề, Thẩm phán Hùng còn được kính trọng ở vai trò người thầy của bao lớp thẩm phán trẻ đi sau.
Phần thưởng lớn nhất mà ông có được chính là sự yêu quý, tin tưởng của nhiều học trò là thẩm phán các tỉnh, thành. Trong công tác hằng ngày, khi xét xử, vướng mắc gì người đầu tiên họ nhớ đến gọi điện thoại hỏi ý kiến là ông. Hằng ngày ông nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi của học trò hỏi về tố tụng lẫn nội dung các vụ án hành chính họ đang giải quyết. Thậm chí ngay trong phòng nghị án, có khi họ vẫn cần ông tư vấn, hỗ trợ thêm về pháp lý.
Với ông, những hoạt động trao đổi chuyên môn như trên là có ích nên ông rất thoải mái đáp ứng dù bận rộn thế nào. Tại cơ quan, ông và đồng nghiệp cũng thường xuyên thảo luận cởi mở về các vụ án hành chính.
Một thành công khác trong giảng dạy của ông chính là giáo trình kỹ năng xét xử án hành chính theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm được Trường Cán bộ tòa án phát hành và được nhiều tòa địa phương quan tâm. Hai nội dung lớn nhất trong giáo trình được mọi người đánh giá cao đó là các tiêu chí đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính và đối thoại trong án hành chính (đã được ghi nhận đưa vào dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi).
Khác với nhiều thẩm phán thường ngại xuất hiện trên báo chí, Thẩm phán Hùng sẵn lòng đồng hành với báo chí, thể hiện những quan điểm về pháp lý của mình rất thoải mái, không né tránh bất kỳ vấn đề gì. Không ít trường hợp ông sẵn sàng đi ngược lại quan điểm của TAND Tối cao như vụ không miễn trừ trách nhiệm cho thẩm phán xử oan...
“Nếu vì sợ cấp trên mà cấp dưới không dám nói khác là rất nguy hiểm. Đừng co mình lại để cố được lòng cấp trên. Ban đầu cũng có vài đồng nghiệp khó chịu với phong cách thẳng như ruột ngựa của tôi. Nhưng dần dần khi hiểu, họ lại yêu thương tôi và bảo vệ lẫn nhau trong cuộc sống. Sống mà không ai ghét là món quà lớn mà tôi có hiện nay” - ông tâm sự.
Từ người lính đến người thẩm phán Năm 1972, cùng các thầy, trò tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp... ở miền Bắc, Thẩm phán Hùng xếp bút nghiên lên đường vào Nam đánh Mỹ. Năm 1976, nước nhà thống nhất, ông trở về tiếp tục học tập, công tác tại một đơn vị kinh tế của tỉnh Phú Khánh (cũ). Năm 1987, ông được tổ chức điều động sang TAND tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, ông lần lượt trải qua các chức vụ như chánh văn phòng, chánh tòa hành chính. Từ năm 1999, ông được Chủ tịch nước bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao và công tác tại Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho đến nay. Niềm vui của nghề Năm 2012, Thẩm phán Hùng nhận được một lá thư cảm ơn từ một ông cụ quê ở Mỹ Tú (Sóc Trăng). Ông cụ viết: “Nỗi oan ức của tôi - người hưu trí có công với cách mạng bị một quyết định tước đất canh tác hợp pháp nhiều năm, bị phớt lờ việc kêu oan, khiếu nại. Nay tòa phúc thẩm công minh buộc tòa sơ thẩm thụ lý, giải quyết vụ án, tôi rất vui mừng, xúc động và có niềm tin vào công lý”. Ông cụ cảm ơn: “Thẩm phán đã cho tôi một niềm hy vọng, một niềm tin mãnh liệt vào công lý. Xin gửi lời cảm ơn, lời chúc sức khỏe và tôi tin rằng thẩm phán sẽ còn có nhiều quyết định công minh để giúp đỡ nhiều người dân hơn...”. Đưa cho tôi đọc lá thư, Thẩm phán Hùng tâm sự: “Cái nghề thẩm phán, chúng tôi xét xử đúng luật mà làm được chút gì cho người dân đỡ khổ là mừng lắm! Lá thư cảm ơn này tôi sẽ lưu giữ cẩn thận vào ngăn tủ cùng những lá thư khác để làm kỷ niệm trong đời xét xử của mình”. Ông kể có lần một người đàn ông sang trọng, thành đạt rất vui mừng khi nhìn thấy ông, thốt lên: “Em chào thầy” rồi chạy vội đến bắt tay thân mật khiến ông ngỡ ngàng. Nói chuyện, ông mới nhớ lại nhiều năm trước anh phạm tội lừa đảo, bị tòa sơ thẩm phạt án tử hình. Lên phúc thẩm, có một số tình tiết giảm nhẹ mà án sơ thẩm chưa xem xét nên ông giảm án cho người này xuống tù chung thân. Bây giờ anh đã được tha, mở doanh nghiệp làm ăn rất khấm khá. “Quốc hội đã rất đúng đắn khi không đưa án tử hình vào tội lừa đảo. Người đàn ông đó không đáng tội chết. Hồi đó nếu tôi không cân nhắc kỹ mà tuyên y án sơ thẩm thì xã hội đã mất đi một người tốt. Câu chuyện này cũng là một nguồn động viên rất lớn trong nghề với tôi” - ông nói. |