Dư nợ nền kinh tế hiện nay là 5,5 triệu tỉ nhưng dư nợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) rất khiêm tốn: Chỉ chiếm hơn 1,2 triệu tỉ trong khi khối DN này chiếm tới 97% số lượng DN tại Việt Nam.
Đây là thông tin đáng chú ý tại hội thảo tín dụng cho DNNVV do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức.
Còn xa nhau
Thấm thía nỗi vất vả khi gõ cửa các ngân hàng, ông Nguyễn Văn Minh, giám đốc một công ty sản xuất tinh nghệ tại tỉnh Hưng Yên, nói: “Khoan nói đến được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi, ngay cả lãi suất vay thông thường cũng khó tiếp cận vô cùng”.
Ông Minh kể để có vốn đầu tư ban đầu, ông đã phải thế chấp ngôi nhà mà mình đang ở. Nay ông có nhu cầu mua máy móc để mở rộng sản xuất, kinh doanh và dù có khu xưởng sản xuất rộng cả ngàn mét vuông song vẫn chỉ là đất nông nghiệp, giá trị tài sản thấp nên không ngân hàng nào nhận thế chấp.
“Ngoài yêu cầu phải có tài sản thế chấp, hàng loạt rắc rối liên quan đến vấn đề sổ sách, giấy tờ khác càng khiến hành trình tiếp cận vốn vay đối với các DNTN khó như đi lên trời. Đứng trước thực tế trên DN chỉ còn cách tự mình xoay vốn bằng cách vay mượn từ người thân, bạn bè để đầu tư, thậm chí phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao” - ông Minh than thở.
Cùng chung “cảnh ngộ”, đại diện một DN cho hay tính đến nay đã tiếp xúc khoảng bảy ngân hàng mà không thể vay vốn được. Ông Lâm Văn Chiểu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân (Thái Bình), dẫn chứng DN cần diện tích sản xuất lớn phải đi thuê đất rồi quy hoạch thành cánh đồng mẫu lớn. Riêng phần đất đai sản xuất, hạ tầng cánh đồng không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn.
Các DN nhỏ mong muốn hệ thống ngân hàng cho các DN làm ăn hiệu quả được vay vốn thay vì chỉ căn cứ trên tài sản đảm bảo. Ảnh: THÙY LINH
Nhiều rào cản
Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng rất nhiều DNNVV khó tiếp cận, thậm chí không thể tiếp cận được vốn của ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, thừa nhận nguyên nhân khiến cho hai bên không thể tìm thấy nhau đến từ cả phía DN lẫn ngân hàng cũng như môi trường chung.
“Giải pháp đồng hành, kết nối giữa các ngân hàng thương mại và DNNVV đã tốt hơn. Tuy vậy, môi trường kinh doanh phức tạp là điều khiến các DN khó tiếp cận tín dụng hơn là vấn đề lãi suất.
Chi phí không chính thức quá lớn. Các khảo sát gần đây của VCCI cũng như của nhiều tổ chức khác cho thấy tỉ lệ các DN phải trả chi phí không chính thức để tiếp cận tín dụng vẫn rất cao” - TS Lực dẫn chứng.
Hơn nữa, vẫn theo TS Lực, xu hướng hình sự hóa quan hệ kinh tế tại Việt Nam vẫn còn và các ngân hàng đều e ngại nếu cho vay không đúng quy trình, thủ tục, điều kiện thì khi có rủi ro xảy ra sẽ dễ bị vướng vào vòng lao lý.
Tuy vậy, ông Lực cũng cho rằng: “Không ít DNNVV có trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu; thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế nên ngân hàng khó kiểm soát dòng tiền. Trong trường hợp DN không đủ các điều kiện mà ngân hàng chấp nhận cho vay thì không khác nào nhắm mắt làm liều”.
Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ DNNVV Bộ KH&ĐT, nhận định các DN gặp khó khi tiếp cận tín dụng vì thủ tục vay vốn phức tạp. Không chỉ có thế, bà Hồng còn nói: “Ngoài ra, các DN cũng thiếu tài sản đảm bảo, thiếu thông tin, quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, trình độ quản trị tài chính kém. Đặc biệt, DNTN, DN nhỏ cũng có ưu thế kém hơn so với DNNN và các DN lớn”.
Cửa đã hé mở
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận định rằng hiện nay DNNVV thì phàn nàn khó tiếp cận nguồn vốn trong khi ngân hàng thương mại lại kêu khó mở rộng tín dụng.
“Khó khăn từ hai phía là có thật và cần có giải pháp nhằm giải quyết cái khó của DN trong tiếp cận vốn, cũng như khó khăn từ phía các ngân hàng thương mại đang thừa vốn. Giải pháp đó là việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, triển khai Luật DNNVV từ ngày 1-1-2018, cũng như việc các bộ, ngành liên quan cần triển khai các nghị định, thông tư về vấn đề này” - TS Tú nói và khẳng định NHNN luôn mong muốn hỗ trợ DN tốt hơn.
Doanh nghiệp vẫn phải dùng nguồn tín dụng ngầm Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần 26-3 Hòa Bình, đề nghị NHNN cần nghiên cứu để tiết giảm các thủ tục về giao dịch đảm bảo, không bắt buộc phải làm nhiều thủ tục và công chứng nhiều tài liệu như hiện nay. Tập trung phân cấp, giao quyền cho chính quyền cơ sở xác nhận tình trạng tài sản, đất đai của người dân và DN làm cơ sở để làm tài sản đảm bảo vay vốn. “NHNN cũng cần nghiên cứu kỹ và làm rõ tại sao các hoạt động tín dụng ngầm vẫn tồn tại và phát triển, nhiều DN vẫn phải dùng nguồn tín dụng này để gỡ khó khăn cho DN của mình” - ông Thắng nhấn mạnh. |
Để giải quyết bài toán thiếu vốn cho DN nhỏ, gần đây nhiều ngân hàng tăng cho vay tín chấp thay vì tài sản đảm bảo với DN nhỏ, DN khởi nghiệp, tiểu thương. Ảnh Thùy Linh
Trên thực tế, để giải quyết bài toán thiếu vốn cho DN nhỏ, gần đây nhiều ngân hàng tăng cho vay tín chấp thay vì tài sản đảm bảo với DN nhỏ, DN khởi nghiệp, tiểu thương. Ví dụ: Ngân hàng An Bình công bố DN không cần tài sản thế chấp hoặc thiếu một phần tài sản vẫn có thể vay đến 3 tỉ đồng.
Bình luận về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, phân tích việc một số ngân hàng cho DN nhỏ vay tín chấp thay vì tài sản đảm bảo, chiến lược kinh doanh là chưa có tiền lệ trong ngành ngân hàng, trước đây rất hiếm thấy.
“Nó cho thấy mối quan hệ giữa ngân hàng và DN đã thông thoáng hơn, cởi mở hơn. Đây là cách làm sáng tạo, phù hợp thay vì làm theo khuôn mẫu, quy định cứng nhắc. Nó mang lại lợi ích cho cả hai bên” - TS Nghĩa nhận xét.
Vướng vì tranh cãi “quả trứng có trước hay con gà có trước” Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 31-8-2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.292.182 tỉ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016 và cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2016. Tỉ trọng cho vay nhóm DNNVV chiếm 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong khi đó, lượng DNNVV chiếm tỉ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam và đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách. Ông Mạc Quốc Anh, Hội DNNVV Hà Nội, cho hay vốn để mở rộng là khó khăn nhất của các DNNVV. “Thay đổi quy mô, phát triển thành lớn cần có vốn đầu tư nhưng ngân hàng lại đòi hỏi phải có thế chấp, có chiến lược kinh doanh thì gây khó cho DN. Câu chuyện lại xoay quanh quả trứng có trước hay con gà có trước”. |